Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam dưới góc nhìn nghiên cứu

15/09/2023 10:10

Chính sách quốc gia về đất đai nhằm phân phối hoặc thay đổi quyền sở hữu và sử dụng ruộng đất ở nông thôn, được xem là nhiệm vụ và là nội dung cơ bản của cách mạng dân tộc- dân chủ nhân dân, nhằm xóa bỏ chế độ chiếm hữu ruộng đất lạc hậu để chuyển ruộng đất về tay nông dân, thực hiện khẩu hiệu “người cày có ruộng”.

Từ xa xưa ở Việt Nam ruộng đất đã được hình thành theo hình thức công điền, công thổ và  thuộc sở hữu tư nhân. Sau khi chinh phục, thực dân Pháp đã đưa vào sử dụng quản lý đất đai theo luật phương Tây. Quyền sở hữu đất đai được bảo vệ, bao gồm sở hữu công, tư; cộng đồng và tư nhân. Riêng ở Nam Kỳ, người Pháp đã lập những đồn điền có diện tích lớn do các đại điền chủ có thế lực làm chủ. Tại Bắc và Trung Kỳ, họ vẫn duy trì chế độ công điền và sở hữu nhỏ về ruộng đất. Khi Cách mạng tháng Tám thành công, ở những vùng này, quỹ đất công vẫn còn chiếm từ 20 % đến 30% diện tích đất đai.

Vào những năm 1920, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã mô tả tình trạngcủa nông dân Việt Nam như sau: "Ruộng bị Tây chiếm hết, không đủ mà cày. Gạo bị nó chở đi hết, không đủ mà ăn. Làm nhiều, được hưởng ít; thuế nặng đến nỗi chết đói, hoặc bán vợ đợ con hay đem thân làm nô lệ như những người đi Tân thế giới”.

Tháng 12 năm 1953, tại kỳ họp lần thứ 3 (khóa I) Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Chỉ có thực hiện CCRĐ, người cày có ruộng, mới giải phóng sức sản xuất ở nông thôn khỏi ách trói buộc của giai cấp địa chủ phong kiến”. Người nhấn mạnh: “Mục đích của cải cách ruộng đất là  tiêu diệt chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất, thực hiện người cày có ruộng, giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, phát triển sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến".

Trong Tuyên ngôn Đảng Cộng sản, Karl Marx từng tuyên bố: "Cách mạng ruộng đất là điều kiện để giải phóng dân tộc". Dựa theo mô hình "thổ địa cải cách" của Trung Quốc (1946–1949), cuộc cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam đã được tổ chức với tinh thần đấu tranh giai cấp triệt để.

Cải cách ruộng đất (CCRĐ) là một chương trình nhằm phân chia lại ruộng đất ở nông thôn, xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần  như địa chủ phản cách mạng, Việt gian, cường hào cộng tác với thực dân Pháp, được Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thực hiện vào những năm từ 1953 đến 1956.

Trong thư gửi đồng bào nông thôn và cán bộ ngày 18 tháng 8 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định “CCRĐ là một cuộc đấu tranh giai cấp chống phong kiến, một cuộc cách mạng long trời lở đất, quyết liệt gay go”.

Xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, thực hiện sở hữu ruộng đất của nông dân sẽ giải phóng sức sản xuất, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công, thương nghiệp phát triển, hoàn thành cách mạng dân tộc cũng như củng cố chế độ dân chủ nhân dân và phát triển công cuộc kiến quốc. Bài viết tổng hợp một số nét nổi bật về CCRĐ ở miền Bắc Việt Nam dưới góc nhìn nghiên cứu.

Chủ trương và chính sách lớn về ruộng đất dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam

Chương trình tóm tắt của Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đã xác định chiến lược của Đảng là tiến hành “tư sản dân quyền và cách mạng thổ địa để đi tới xã hội cộng sản”. Luận cương chính trị của Đảng tháng 10 năm1930 xác định, mâu thuẫn giai cấp gay gắt ở Đông Dương giữa “một bên là thợ thuyền, dân cày và các phần tử lao khổ” với một bên là “địa chủ phong kiến, tư bản và đế quốc chủ nghĩa”, và cho rằng, cách mạng Đông Dương ban đầu là một cuộc “cách mạng tư sản dân quyền”. Luận cương đã vạch ra nhiệm vụ chủ yếu của cách mạng tư sản dân quyền là phải “tranh đấu để đánh đổ các di sản phong kiến, đánh đổ cách bóc lột theo lối tiền tư bản và thực hành triệt để cách mạng thổ địa” và nhấn mạnh “Có đánh đổ đế quốc chủ nghĩa, mới tiêu diệt được giai cấp địa chủ và làm cách mạng thổ địa thắng lợi; có phá tan được chế độ phong kiến mới đánh đổ được đế quốc chủ nghĩa". Luận cương khẳng định: "Vấn đề thổ địa là cốt lõi của cách mạng tư sản dân quyền", là cơ sở để Đảng giành quyền lãnh đạo dân cày.

ruong-dat-1694747399.jpg

Tháng 12/1930, trong thư gửi các cấp, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã nhận định, phải xét địa chủ "về phương diện giai cấp". Là giai cấp "dùng quyền có đất để bóc lột dân nghèo, hãm hại kinh tế dân cày" và ngăn trở sức sản xuất; Địa chủ là "thù địch của dân cày không kém gì đế quốc, nó quan hệ mật thiết với quyền lợi của đế quốc chủ nghĩa, liên kết với đế quốc để bóc lột dân cày". Ban Thường vụ chủ trương "tiêu diệt địa chủ" và "tịch ký tất cả ruộng đất của địa chủ để giao cho cố, bần và trung nông".

Năm 1938, 2 tác giả Võ Nguyên Giáp và Trường Chinh  đã cùng xuất bản tác phẩm "Vấn đề dân cày". Hai nhà cách mạng đã nghiên cứu thực trạng nông thôn Việt Nam vả cho rằng, vấn đề ruộng đất và dân cày là nội dung cốt lõi của cách mạng ở Đông Dương; Phân tích địa vị giai cấp, vị trí khuynh hướng và tính chất của giai cấp nông dân; hai ông đã phê phán nhận thức và quan điểm sai lầm đối với giai cấp nông dân và tố cáo trước dư luận những chính sách của thực dân, phong kiến về ruộng đất, tô thuế, nạn cho vay nặng lãi và nêu lên những yêu sách của dân cày Đông Dương đối với Mặt trận Nhân dân Pháp.

CCRĐ là chương trình phân chia lại ruộng đất ở nông thôn, xóa bỏ văn hóa phong kiến, tiêu diệt các thành phần phản quốc, phản động như địa chủ phản cách mạng, Việt gian, cường hào cộng tác với thực dân Pháp.

Theo Luật định, Cải cách ruộng đất nhằm vào "thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của thực dân và đế quốc xâm lược Việt Nam. Xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ. Thực hiện quyền sở hữu ruộng đất của nông dân sẽ giải phóng sức sản xuất, đẩy mạnh nông nghiệp và mở đường cho công, thương nghiệp phát triển, cải thiện đời sống nông dân; bồi dưỡng lực lượng nhân dân, đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành giải phóng dân tộc cũng như củng cố chế độ dân chủ nhân dân và phát triển công cuộc kiến quốc".

Do nhận định thiếu sâu sát, chiến dịch CCRD ở Việt Nam đã gây nhiều oan sai, làm rối loạn tình hình nông thôn, Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ đã tiến hành các bước sửa sai. Tháng 2 năm 1956, Hội nghị Trung ương đảng lần thứ 9 tuyên bố sai lầm trong CCRĐ; Tháng 3 năm 1956, Quốc hội họp lần thứ 4 tường trình báo cáo các sai lầm và biện pháp sửa chữa; Ngày 5 tháng 7 năm 1956, thay mặt Ban Bí thư, Tổng Bí thư Trường-Chinh ký Chỉ thị "Về công tác chỉnh đốn tổ chức" Chỉ thị nêu rõ: Sở dĩ có những khuyết điểm, một phần là do Trung ương kém theo dõi, đôn đốc, kiểm tra và kịp thời uốn nắn các lệch lạc, một phần là do các cơ quan được Trung ương giao trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo, đã không nhận thức đúng tình hình, không nắm vững mục đích, yêu cầu, phương châm, phương pháp, không giáo dục đầy đủ cho cán bộ. Về phía cán bộ ở các tổ chỉnh đốn, nói chung trình độ chính trị và trình độ công tác kém, lại không được chuẩn bị đầy đủ về tư tưởng, chính sách, phương pháp; khi tiến hành công tác không được lãnh đạo chặt chẽ nên đã phạm những sai lầm nghiêm trọng; Ngày 18 tháng 8 năm 1956, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào và cán bộ nhìn nhận sai lầm và cho biết, Trung ương Đảng và Chính phủ đã nghiêm khắc kiểm điểm các sai lầm.

Tháng 9 năm 1956, Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương đảng (họp từ 25/8 đến 24/9/1956) nhận định nguyên nhân đưa đến sai lầm và thi hành biện pháp kỷ luật đối với Ban lãnh đạo chương trình CCRĐ như ông Trường Chinh phải từ chức Tổng Bí thư Đảng, ông Hoàng Quốc Việt ra khỏi Bộ Chính trị, ông Lê Văn Lương ra khỏi Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và ông Hồ Viết Thắng bị loại ra khỏi Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

Đề cương báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 10, tháng 10-1956 đã xác nhận: " trong CCRĐ đã có tư tưởng nông dân, đặt bần, cố nông lên trên tất cả, thậm chí lên trên cả Đảng. Tư tưởng tả khuynh chớm nở, đã đưa đến chỗ học tập kinh nghiệm nước bạn một cách máy móc và không chịu điều tra nghiên cứu đầy đủ tình hình xã hội nước ta để định chủ trương thích hợp. Trong thi hành một mực nhấn mạnh chống hữu khuynh, trong khi những hiện tượng tả khuynh trở nên trầm trọng. Từ cấp khu trở xuống, hệ thống CCRĐ trở thành hệ thống ở trên Đảng và chính quyền; tác phong độc đoán chuyên quyền, không đi theo đường lối quần chúng đã nặng về trấn áp, nhẹ tuyên truyền giáo dục, buộc quần chúng làm những điều trái với ý muốn, lương tâm, trái với chân lý và chính nghĩa.".

Ngày 29 tháng 10 năm 1956, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thay mặt Chủ tịch nước đọc báo cáo của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước quốc dân, chỉ ra những sai lầm và phát động chiến dịch sửa sai, phục hồi các chức vụ, tài sản cho cán bộ, bộ đội bị đấu tố.

Tháng 12 năm 1956, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận khuyết điểm trong CCRĐ.

Theo tổng kê, đến tháng 9 năm 1957, chiến dịch sửa sai đã phục hồi danh dự và trả lại tài sản khoảng 70-80% số người bị kết án. Bản thân chiến dịch sửa sai cũng có những thiệt hại, khi những người được phục hồi quay lại trả thù những người đã tố cáo họ oan ức. Phong trào trả thù lan rộng và biến thành bạo động tại nhiều nơi, khiến chính quyền phải dùng quân đội để tái lập trật tự.

Những thành công và sai phạm của CCRĐ

Đánh giá tình hình thực hiện CCRĐ ở miền Bắc Việt Nam, Nghị quyết Hội nghị BCH TW Đảng Lao động Viêt Nam lần thứ 14 (khóa II) nhận định: Năm 1953, giữa lúc Quân đội Nhân dân bắt đầu chiếm ưu thế trên chiến trường, kết quả ban đầu của CCRĐ, khi thực hiện tịch thu đất đai, tài của địa chủ và Việt gian theo thực dân Pháp chống lại dân tộc, chia cho bần nông, cố nông đã góp phần quan trọng để nâng cao sự ủng hộ của dân chúng, dồn sức cho kháng chiến và Quyền làm chủ của nông dân trên ruộng đất canh tác được xác nhận về mặt pháp lý.

Khi bắt đầu chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là lúc hậu phương hoàn thành đợt thí điểm CCRĐ, tin này đã tiếp thêm tinh thần chiến đấu cho người lính ngoài mặt trận. Thực hiện triệt để giảm tô, giảm tức và CCRĐ đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần của quân dân chi viện cho chiến trường trong Đông Xuân năm 1953-1954 mà đỉnh điểm là chiến dịch Điện Biên Phủ.

CCRĐ đã phân chia lại đất canh tác một cách công bằng cho đa số nông dân. Từ năm 1953 tới 1957, 810.000 hécta ruộng đất ở đồng bằng và trung du Bắc Bộ đã được chia cho10 triệu dân (khoảng 2 triệu hộ), chiếm 72,8% số hộ nông dân. Cuộc cải cách đã xóa bỏ giai cấp địa chủ và tàn dư chế độ phong kiến. Tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khoá I, báo cáo của Chính phủ kiểm điểm về công tác CCRĐ đã nêu rõ: "Cải cách ruộng đất ở miền Bắc đã hoàn thành, giai cấp địa chủ căn bản bị đánh đổ, chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất bị xoá bỏ. Nông dân đã làm chủ nông thôn, nguyện vọng lâu đời của người nông dân là người cày có ruộng đã được thực hiện. Sức sản xuất ở nông thôn được giải phóng, đời sống nhân dân được cải thiện, đã mở đường cho phát triển công thương nghiệp, góp phần quan trọng vào công cuộc củng cố miền Bắc, phát triển kinh tế, văn hoá. Đó là những thành tích căn bản".

Năm 1957 là năm được mùa lớn, sản lượng lương thực đạt trên 4,5 triệu tấn, vượt xa mức trước chiến tranh. Sau CCRĐ, bần nông được sở hữu ruộng đất, không phải nộp phần lớn địa tô cho địa chủ, do đó họ hǎng hái sản xuất. Được cán bộ nông nghiệp hướng dẫn, nông dân có điều kiện cải tiến kỹ thuật, phát triển công tác thủy lợi, chú ý đến vấn đề phân bón, nǎng suất nông nghiệp tǎng lên khá nhanh. Miền Bắc đã giải quyết được nạn đói giáp hạt; vǎn hóa, giáo dục có cơ sở rộng rãi để phát triển, bộ mặt nông thôn được đổi mới.

Đất đai tập trung vào Nhà nước quản lý tạo thuận lợi để xây dựng các công trình thủy lợi và cơ sở phục vụ nông nghiệp. Cuối năm 1955, những công trình thủy lợi bị Pháp phá hủy dần được khôi phục, diện tích đất được tưới tiêu đạt mức 202.374 ha. Năm 1958, sản xuất nông nghiệp và thủy lợi đã vượt mức trước chiến tranh. Nghị quyết 63 của Bộ Chính trị đã đưa ra mục tiêu "thắng hạn hán, úng, bão, xâm nhập mặn và lụt lớn". Công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải được chọn làm đột phá với nhiệm vụ tưới tiêu cho 156.000 ha.

Sau 3 năm thực hiện cải cách (1955-1957), diện tích gieo trồng toàn miền Bắc tăng thêm 23,5%, năng suất lúa tăng 30,8%, sản lượng lương thực tăng 57%, lương thực bình quân đầu người tăng 43,6%;, đàn trâu tăng 44,2%, đàn bò tăng 39%, đàn lợn tăng 20%; cây công nghiệp hầu hết đều vượt mức năm 1939,là năm cao nhất trong thời Pháp thuộc. Riêng bông đã gấp 3 lần, lạc gấp 3,5 lần, đay gấp 1,5 lần. Đến năm 1957, nền kinh tế miền Bắc được phục hồi, vượt mức cao nhất dưới thời Pháp thống trị.

Hết năm 1957, nông nghiệp ở miền Bắc đã phát triển vượt mức của năm 1939, là năm diện tích trồng lúa đạt 1.811.000 ha, năng suất 13,04 tạ/ha, sản lượng 2,407 triệu tấn và lương thực bình quân đầu người là 211,2 kg ( những con số tương ứng của năm 1957 là 2.191.800 ha, năng suất 18,01 tạ/ha, sản lượng 3,948 triệu tấn và bình quân 286,7 kg). Lĩnh vực chăn nuôi cũng gia tăng, so với năm 1939, đàn trâu tăng 51,1%, đàn bò tăng 60,1%, đàn lợn tăng 30,8%.

Giai đoạn từ 1955 đến 1959, sản lượng lương thực quy thóc đã từ 3,76 triệu tấn tăng lên 5,19 triệu tấn/năm. Đầu năm 1965 đã xây dựng được 3.139 điểm cơ khí nhỏ, 7 trạm và 32 đội máy kéo, 33 công trình thủy lợi lớn, 1.500 công trình vừa và nhỏ đã được khôi phục và xây dựng, bảo đảm tưới tiêu chủ động cho hơn 500.000 ha diện tích trồng trọt. Từ một nền nông nghiệp lạc hậu, độc canh, năng suất thấp, miền Bắc dần dần trở thành một nền nông nghiệp được cơ khí hóa. Nếu năm 1965, chỉ có 7 huyện và 640 hợp tác xã đạt mức sản lượng 5 tấn/ha/năm thì đến năm 1967 đã tăng lên 30 huyện và 2.628 hợp tác xã.

Năm 1958, BCH Trung ương Đảng quyết định tập thể hóa nông thôn. Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1959 đã hợp thức hóa chủ trương này và xóa bỏ quyền sở hữu ruộng đất tư nhân thay vào đó là quyền sở hữu tập thể. Đất đai dần tập trung vào tay Nhà nước thông qua các hợp tác xã do Chính phủ quản lý. Đến năm 1960, 86% dân quê Miền Bắc đã vào hợp tác xã. Số liệu đó tăng lên thành 95,5% vào năm 1970. Khi Hiến pháp Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1980 được biên soạn, quyền tư hữu ruộng đất biến mất, quyền quản lý đất đai thuộc về Nhà nước. Theo quá trình này, chính quyền phát đất cho nông dân một lần nhưng quản lý hai lần (một lần bán chính thức qua dạng hợp tác xã và quốc hữu hóa toàn diện) Từ thập niên 1990, theo chính sách Khoán 10, ruộng đất thuộc sở hữu toàn dân, nhà nước quản lý ruộng đất và giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho hộ nông dân căn cứ trên đầu người, hộ tự canh tác và thu hoạch, sau khi nộp thuế thì giữ lại nông sản thừa, hợp tác xã không đứng ra sản xuất mà chỉ cung ứng dịch vụ.

Đánh giá sai lầm CCRĐ các nhà phân tích cho rằng, do quá tin tưởng và chịu sức ép của các cố vấn Trung Quốc nên đã không nhận rõ về sự khác biệt giữa nông thôn Trung Quốc và Việt Nam. Trong so sánh mục tiêu và phương pháp lại tiến hành quá cứng nhắc, khi đi theo nghiên cứu của Liên Xô cho rằng, địa chủ trung bình chỉ sở hữu 0,65 hécta đất đai. Đã đánh giá sai và nâng sản lượng, tăng thuế lên cao, quá sức chịu đựng của người dân.

Yếu tố bạo lực có nguồn gốc xuất phát từ hận thù giai cấp và mâu thuẫn cá nhân đã được tích lũy từ lâu ở các vùng nông thôn. Địa chủ trở thành chỗ cho dân nghèo trút cơn giận dữ, họ coi những hành vi của địa chủ là nguyên nhân gây ra cuộc sống khốn khó, số khác vì ghen tức với tài sản của địa chủ, cộng với trình độ nhận thức thấp của số đông người dân và cán bộ cấp xã đã dẫn tới nhiều trường hợp oan sai, lợi dụng trả thù cá nhân và các hành vi bạo lực trong xét xử. Hậu quả của tình trạng này nhiều khi bi thảm, nhưng trong điều kiện xã hội thời bấy giờ, người ta lại nhìn nhận đó là những "sản phẩm phụ" không thể tránh khỏi của bất cứ cuộc cách mạng nào.

Đường lối dựa vào nông dân thi hành cải cách là đúng, nhưng lại không chú trọng việc giáo dục tư tưởng và chính sách một cách kỹ càng, trong khi đây là đối tượng trình độ kiến thức thấp. Kết quả là ở nhiều nơi, lực lượng nông dân thi hành chính sách chống địa chủ một cách bừa bãi, lạm dụng những hình phạt nặng nề. Chiến dịch càng lên cao, người dân càng trở nên quá khích, dẫn đến tình trạng vô chính phủ; tố cáo gây nhiều oan sai và đối xử nhục hình với gia đình người bị tố cáo. Trong đó, hơn 70% số người bị quy thành phần địa chủ và phú nông là quy sai.

Trong khi CCRĐ đang diễn ra, Đảng Lao động Việt Nam đã thực hiện chỉnh huấn. số cán bộ, đảng viên bị kỷ luật là 84.000 người, chiếm tỷ lệ tới 55%. Có những chi bộ tốt lại bị người dân tố cáo là phản động, bí thư hoặc chi ủy viên chịu kỷ luật nặng. Tình hình chỉnh đốn ở cấp huyện và cấp tỉnh cũng hỗn loạn không kém. Theo tài liệu của một số cơ quan điều tra Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng từng bị liệt vào danh sách đấu tố. Những người dân địa phương không hề biết đây là những lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, họ cứ tố cáo vì thấy đó là con của quan lại, địa chủ phong kiến trước đây.

Về văn hóa, nhiều sách vở chữ Nho và chữ Nôm, hoành phi, câu đối của những gia tộc quyền thế bị đốt; đình, chùa, đền, miếu bị phá hủy. Về giá trị truyền thống, quan hệ trong nhiều gia đình, xóm giềng bị phá vỡ do con cái tố cáo cha mẹ, láng giềng hãm hại lẫn nhau khiến đạo lý cổ truyền suy sụp.

Về tình trạng kết án oan sai, trong bài diễn văn đọc trước Mặt Trận Tổ Quốc, ngày 30 tháng 10 năm 1956 tại Hà Nội Luật sư Nguyễn Mạnh Tường từng nhấn mạnh

Trong cuộc kháng chiến anh dũng của ta, những đồng bào đã hi sinh, có thể nói được; chết với lòng chan chứa nỗi vui sướng vì được chết cho sự nghiệp giải phóng dân tộc thoát khỏi nanh vuốt của kẻ thù. Họ chết cho ta, đó là cái chết tích cực, cái chết vẻ vang, cái chết oanh liệt mà Tổ quốc ghi nhớ muôn đời. Trái lại, những người chết oan vì sai lầm CCRĐ, lúc tắt thở, cay đắng, đau xót vì chết với một ô danh. Chúng ta đã xoá bỏ cái ô danh đó, nhưng con cháu của các nạn nhân tài nào mà không ngậm ngùi? Đau đớn hơn, bây giờ ta làm thế nào mà biến cái khổ cực của người tắt thở thành một niềm an ủi cho họ được?

Nguyên Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt Từng nhìn nhận “Trong các chiến dịch CCRĐ và cải tạo công thương nghiệp, nhiều nhân sĩ yêu nước, nhiều nhà kinh doanh có công với cách mạng đã không được coi như bạn nữa, gây những tổn thất lớn cả về chính trị và kinh tế”

Đánh giá của Đảng Lao động Viêt Nam về cải cách ruộng đất

Hội nghị lần thứ mười bốn Ban chấp hành Trung ương Đảng, tháng 11 năm 1958 nhận định:  Công cuộc CCRĐ ở miền Bắc Việt Nam đã đánh đổ giai cấp địa chủ cùng bọn Việt gian phản động, giải phóng nông dân khỏi ách phong kiến, làm cho họ thực sự làm chủ nông thôn; củng cố thêm được khối liên minh công-nông; củng cố được quyền lãnh đạo của Đảng; bồi dưỡng được lực lượng kháng chiến, củng cố miền Bắc, cổ vũ nhân dân miền Nam đấu tranh chống Mỹ - Diệm.

Cải cách ruộng đất có thắng lợi và có sai lầm song thắng lợi là cǎn bản, sai lầm là nghiêm trọng nhưng thứ yếu. Tổng kết cuộc vận động CCRĐ giúp chúng ta  rút ran những bài học lớn, cả về thắng lợi cũng như sai lầm, để phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, cải tiến công tác và sự lãnh đạo của Đảng;

Nghị quyết Kỳ họp 14 cuả BCH TW Dảng khóa II xác dịnh,Chúng ta làm cách mạng là để giải phóng dân tộc, cải tạo xã hội, cải tạo thế giới. Muốn vậy, phải đi sâu vào thực tế khách quan, phân tích những tình hình cụ thể, nắm được bản chất của sự vật, tìm ra những quy luật phát triển của xã hội, rồi cǎn cứ vào đó để định ra phương châm, chính sách, kế hoạch, biện pháp đặng tiến hành cuộc vận động cách mạng, rồi thông qua thực tiễn để kiểm nghiệm và bổ sung những phương châm, chính sách, kế hoạch, biện pháp, làm cho ý thức chủ quan ngày càng phù hợp với thực tế khách quan, bảo đảm giảm bớt sai lầm, khuyết điểm. Đó là phương pháp tư tưởng và phương pháp công tác Mác - Lênin.

Trong cuộc vận động CCRĐ, đường lối, chính sách của Đảng đúng đắn; về cơ bản chúng ta xuất phát từ thực tế khách quan, đã chú ý áp dụng những nguyên lý của chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, nghĩa là chúng ta đã theo tư tưởng và phương pháp công tác đúng đắn. Thực hiện khẩu hiệu "Người cày có ruộng", giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất, mở đường cho nông nghiệp phát triển đã tạo thuận lợi để công nghiệp hoá nước nhà

Khi nào và ở đâu xa rời tư tưởng và phương pháp công tác của chủ nghĩa Mác - Lênin chúng ta sẽ phạm sai lầm vì không xuất phát đầy đủ từ thực tế khách quan gây nghiêm trọng tình hình là do lý luận tách rời thực tiễn, lãnh đạo tách rời quần chúng và do đó đã phạm phải chủ nghĩa giáo điều, quan liêu và chủ quan.

Nguyên tắc cơ bản về tổ chức và sinh hoạt của một Đảng Mác-Lênin là phải dũng cảm thừa nhận sai lầm và kiên quyết sửa sai. Khẳng định thắng lợi là căn bản và kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ thành quả CCRĐ; dựa vào lực lượng quần chúng cơ bản để tiến hành sửa sai, kiên quyết không để địa chủ lợi dụng sửa sai kích động trả thù là phương châm hành động để đoàn kết toàn Đảng, chống mọi tư tưởng sai lầm đã được Đảng ta khẳng định.

Thay lời kết luận

Nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt của một Đảng Mác-Lênin là dũng cảm thừa nhận sai lầm và kiên quyết sửa sai, đồng thời giữ vững nguyên tắc, khẳng định những nội dung căn bản và kiên quyết bảo vệ cái đúng, bảo vệ thành quả của  cách mạng.Hội nghị Trung ương Đảng 14 khoá II đã khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, đánh đổ đế quốc, phong kiến và tiếp tục lãnh đạo nhân dân làm cách mạng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đấu tranh giải phóng miền Nam, thực hiện thống nhất nước nhà.

Qua hàng chục nǎm hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khǎn, nhờ đường lối, đúng đắn của Đảng nên mới có Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, kháng chiến thành công và đang thu được thành tích to lớn trên mọi mặt hoạt động. Với thành công của cuộc vận động CCRĐ, Đảng ta cǎn bản đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chống phong kiến ở miền Bắc. Thông qua cuộc vận động này, Đảng  đã được rèn luyện và trưởng thành.

Tổng kết CCRĐ giúp chúng ta nắm vững hơn những đặc điểm thực tế đất nước, hiểu sâu sắc thêm lý luận cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và tác dụng tích cực của công cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh thống nhất nước nhà và hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước. Những bài học kinh nghiệm nêu ra trong tổng kết giúp nâng cao thêm trình độ lãnh đạo của Đảng và tǎng cường hơn nữa sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn Đảng đã đoàn kết,đặt lợi ích toàn dân lên trên hết. Hy vọng những vấn đề gợi ra ra trong nghiên cứu sẽ góp phần cùng toàn dân tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội và kiên quyết đấu tranh giữ vững hoà bình, xây dựng một nước Việt Nam thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần tích cực vào bảo vệ hoà bình, phát triển bền vững Đông Nam Á và  toàn thế giới./. 

Tài liệu  tham khảo

Đảng Cộng sản Việt Nam (2010) Đường lối chiến lược giải phóng dân tộc của Đảng trong thời kỳ 1930 - 1945 NXB Chính trị quốc gia Hà Nội, 2010

Đảng CSVN (2011) Chánh cương vắn tắt, Sách lược vắn tắt,, Chương trình tóm tắt của Đảng (1-1930), NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội 2011

Hồ Chí Minh (1956) “Bài nói tại Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kyf6 Khóa I,

Cao Văn Lượng  (1995) Lịch sử Việt Nam, 1954-1965, NXB Khoa Học Xã hội,

Hà Nội, 1995.

Lê Mậu Hãn (200) Đại Cương Lịch sử Việt Nam, 1945-2000 , NXB Giáo dục, Hà Nội, 2000.

Nguyễn Mạnh Tường(1956), Qua những sai lầm trong CCRĐ Xây dựng quan điểm lãnh đạo, Hà Nội 30 tháng 10 năm 1956                                         

TS. Lê Thành Ý
Bạn đang đọc bài viết "Cải cách ruộng đất ở miền Bắc Việt Nam dưới góc nhìn nghiên cứu" tại chuyên mục TS. Lê Thành Ý. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309