Bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội: Định hướng và giải pháp

01/09/2022 22:22

Vừa qua, Chính phủ đã ban hành Quyết định 801/QĐ-TTg 2022 phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 với nhiều nội dung mới. Hà Nội cũng đã triển khai Hội thảo "Một số giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội" do Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội tổ chức vào ngày 23/7/2022. Để biết rõ hơn một số nội dung liên quan, Tạp chí Truyền thống và Phát triển đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Chí - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn Hà Nội.

PV: Được biết vừa qua, Chính phủ đã ban hành Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030. Vậy ông có thể chia sẻ một vài nội dung chính trong văn bản này? 
 

Ông Nguyễn Văn Chí: Vào ngày 07/07/2022, Chính phủ ban hành Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 với mục tiêu chính là: Bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề nhằm gìn giữ và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của làng nghề Việt Nam, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; bảo vệ cảnh quan, không gian và môi trường, xây dựng các khu dân cư, làng văn hóa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững.

Tróng đó, Chính phủ đã xác định công tác bảo tồn và phát triển làng nghề có vai trò quan trọng trong thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động nông thôn, tạo việc làm và nâng cao đời sống của người dân; bảo vệ, giữ gìn cảnh quan, không gian làng nghề, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng nông thôn mới. Việc bảo tồn các giá trị văn hóa làng nghề gắn với phát triển kinh tế du lịch để giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, vùng, miền, địa phương khác nhau. Khơi dậy tiềm năng, lợi thế, giá trị truyền thống mang dấu ấn, thương hiệu của địa phương và quốc gia thông qua phát triển sản phẩm của các làng nghề, đặc biệt là sản phẩm của làng nghề truyền thống, nghề thủ công mỹ nghệ tinh xảo gắn với việc phong tặng, tôn vinh và phát triển đội ngũ các nghệ nhân, thợ giỏi, lành nghề và người lao động ở các địa phương, làng nghề, làng nghề truyền thống.

chi2-1662045737.jpg

Ông Nguyễn Văn Chí, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn TP. Hà Nội

Đồng thời công tác phát triển làng nghề gắn với thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, phù hợp với chiến lược và định hướng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, tăng trưởng xanh, phát triển mô hình sản xuất tuần hoàn khép kín tiết kiệm nguyên liệu, bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu; ứng dụng công nghệ số trong quản lý, quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm của làng nghề. Chính phủ cũng cho phép huy động tối đa các nguồn lực xã hội và sự hỗ trợ của Nhà nước để bảo tồn và phát triển làng nghề. Phát triển hài hòa các cơ sở ngành nghề quy mô vừa và nhỏ, đa dạng hóa các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh trong các làng nghề, kết hợp công nghệ hiện đại với công nghệ truyền thống để phát huy hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

PV: Xin ông có thể nêu một số nhiệm vụ trọng tâm được đề cập trong Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ?  

Ông Nguyễn Văn Chí: Chương trình đã xác định rõ 04 nhiệm vụ trọng tâm. Trước hết là việc tăng cường phát huy vai trò của nghệ nhân, thợ giỏi. Trong đó, tập trung nguồn lực để duy trì và phát triển đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi, tạo nòng cốt thúc đẩy công tác đào tạo, truyền nghề, thực hành nghề thủ công truyền thống, lan tỏa các giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt đối với thế hệ trẻ; bảo tồn, phát triển kỹ năng nghề truyền thống, sáng tạo thêm nhiều sản phẩm, tác phẩm mới có giá trị. Đồng thời tăng cường công tác sưu tầm, lưu giữ và tổ chức trưng bày các tác phẩm tiêu biểu, đặc sắc của các nghệ nhân, thợ giỏi, nghệ nhân tiêu biểu các cấp; Tổ chức phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam và các sản phẩm làng nghề tiêu biểu.

Tích cực bảo tồn và phát triển nghề truyền thống, làng nghề truyền thống: Điều tra, rà soát, thống kê, đánh giá, phân loại danh mục các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống và đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ, xét công nhận; Xây dựng kế hoạch khôi phục, bảo tồn đối với nghề truyền thống, làng nghề truyền thống đang có nguy cơ mai một, thất truyền; Hỗ trợ các nghề, làng nghề truyền thống đã được công nhận và đang hoạt động hiệu quả để phát triển và nhân rộng.

lang nghe truyen thong ha noi

Làng nghề truyền thống Hà Nội giàu bản sắc văn hóa

Đồng thời, phát triển làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới: Phục hồi, tôn tạo các di tích liên quan đến giá trị văn hóa nghề, làng nghề truyền thống (nhà thờ tổ nghề, không gian làm nghề, cảnh quan làng nghề...); khôi phục, tổ chức các lễ hội, hoạt động văn hóa dân gian, phát huy các giá trị văn hóa của nghề và làng nghề trong xây dựng môi trường du lịch văn hóa. Tổ chức liên kết chuỗi giá trị, phát triển làng nghề gắn với du lịch, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Ngoài ra, chú trọng phát triển các làng nghề mới đảm bảo các giá trị văn hóa truyền thống, thân thiện với môi trường và phát triển bền vững: Đối với các làng đã có nghề: Khôi phục, bảo tồn, lưu giữ nét văn hóa truyền thống trong sản phẩm, bí quyết nghề, đồng thời thiết kế những sản phẩm mới phù hợp với thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ sản phẩm và bảo vệ cảnh quan, môi trường làng nghề. Đối với các làng chưa có nghề: Thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất, kinh doanh các sản phẩm theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua các hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình, làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả.

PV: Vậy Hà Nội sẽ làm gì để triển khai những nhiệm vụ trọng tâm ấy trong thời gian tới, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Chí: Ngày 23/7/2022 vừa qua, Chi cục Phát triển Nông thôn thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo "Một số giải pháp bảo tồn, phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội" với sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý nhằm đánh giá đúng tình hình, chỉ ra những thành công, thất bại, thuận lợi, khó khăn, nguyên nhân và giải pháp để giúp cho công tác bảo tồn và phát triển làng nghề ở Thủ đô trong bối cảnh đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng. 

kham pha 4 dia diem du lich lang nghe truyen thong o ha noi 2765 4

Làng nghề thuyền thống ở Hà Nội góp phần thu hút du lịch, phát triển sản phẩm OCOP

Có thể nói Hà Nội sớm nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn phát triển nghề, làng nghề, những năm qua, thành phố đã chỉ đạo triển khai công nhận danh hiệu làng nghề, làng nghề truyền thống Hà Nội, xét và đề nghị Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú; nghệ nhân Hà Nội. 

Theo đó, để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề thành phố đã chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch phát triển nghề và làng nghề thành phố; các chương trình, đề án, kế hoạch phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, phát triển sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm OCOP Hà Nội; xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích phát triển làng nghề của thành phố…

Đặc biệt, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình 04 Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021-2025…Trong đó, khẳng định nhiệm vụ sớm khôi phục và chấn hưng làng nghề, không để các làng nghề truyền thống bị mai một, nghề quý bị “thất truyền”, tạo sự bứt phá trong sản xuất, xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ và phát triển du lịch làng nghề, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của khách hàng, làm cho mô hình phát triển sản xuất hộ gia đình, doanh nghiệp làng nghề mà hạt nhân là các nghệ nhân ngày càng phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

PV: Vâng, xin ông có thể đánh khái quát thực trạng phát triển làng nghề trong thời gian qua trên địa bàn thành phố Hà Nội?

Ông Nguyễn Văn Chí: Tôi đồng tình với các đại biểu tham dự Hội thảo khi cho rằng, các làng nghề, làng nghề truyền thống đã và đang góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu, phát triển kinh tế nông thôn; tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho lao đọng tại các địa phương, tạo tiền đề thực hiện thành công chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Với các sản phẩm của làng nghề đa dạng nhiều chủng loại, mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, một số có thể cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước, bao gồm: Sản phẩm may mặc; sản phẩm gốm sứ; dệt và thêu ren truyền thống; đồ gỗ phục vụ tiêu dùng và xây dựng…

Cụ thể toàn thành phố Hà Nội đến nay có 806 làng đang hoạt động, với có 318 làng nghề truyền thống đã được công nhận tại 23 quận, huyện và thị xã. Trong đó, có 270 làng được công nhận danh hiệu làng nghề, 48 làng được công nhân danh hiệu làng nghề truyền thống. Bao gồm: 67 làng nghề chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; 22 làng nghề Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; 16 làng nghề xử lý, chế biến nguyên liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; 196 làng nghề sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; 12 làng nghề sản xuất kinh doanh sinh vật cảnh; 5 làng nghề làm các dịch vụ phục vụ sản xuất đời sống dân cư nông thôn

nghe123

Làng nghề truyền thống một nét đẹp văn hóa của đất Thăng Long xưa và Hà Nội nay

Công tác phát triển ngành nghề nông thôn, phát triển sản phẩm OCOP Hà Nội cũng là bức tranh sáng của cả nước. Hội thảo tổ chức mang đến nhiều ý nghĩa tạo tiền đề để thành phố tháo gỡ khó khăn, phát triển ngành nghề nông thôn, sản phẩm OCOP trong thời gian tới. Đặc biệt, các sản phẩm làng nghề là tiền đề để phát triển sản phẩm OCOP, coi phát triển làng nghề là bước đi trước cho sản phẩm OCOP. Hà Nội với lợi thế của mình cần rà soạt lại cơ chế chính sách để phát triển làng nghề, mỗi làng nghề, nhóm làng nghề cần có kế hoạch phát triển riêng. Phát huy tinh hoa sáng tạo của mỗi người thợ, mỗi nghệ nhân trong phát triển sản phẩm. Xây dựng cảnh quan môi trường làng nghề, góp phần vào hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hà Nội cũng cần nghiên cứu xây dựng môi trường làng nghề xanh sạch đẹp gắn với du lịch…

Bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận những mặt hạn chế trong công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian vừa qua như: Hầu hết các doanh nghiệp ở các làng nghề trên địa bàn đều hoạt động với quy mô nhỏ, tự phát; các làng nghề hiện nay vẫn chưa có sự đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển du lịch; thị trường sản phẩm chưa được mở rộng; việc bảo tồn văn hóa truyền thống của sản phẩm làng nghề chưa được chú trọng; lao động ở các làng nghề có phần bị hạn chế về trình độ học vấn…

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần triển khai những giải pháp và định hướng như thể nào để công tác bảo tồn và phát triển làng nghề tương xứng với vị thế và tiềm năng của mảnh đất trăm nghề, Thủ đô ngàn năm văn hiến?

Ông Nguyễn Văn Chí: Để bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, Hà Nội đã chỉ đạo triển khai xây dựng quy hoạch phát triển nghề và làng nghề Hà Nội; ban hành kế hoạch bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề đến năm 2030; các chương trình đề án, kế hoạch phát triển làng nghề kết hợp với du lịch, phát triển sản phẩm xuất khẩu, sản phẩm OCOP Hà Nội…Trong đó, tập trung nâng cao hiệu quả đào tạo nhân lực cho lao động nông thôn như dạy nghề, truyền nghề, tập huấn nâng cao năng lực các làng nghề; đồng thời, triển khai có hiệu quả Đề án bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống kết hợp du lịch, Đề án bảo vệ môi trường làng nghề, Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); thực hiện tốt các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất khác thuộc lĩnh vực phát triển ngành nghề nông thôn theo quy định.

nghe1234

Làng nghề truyền thống giàu mạnh điểm tô cho những miền quê nông thôn mới đáng sống 

Ngoài ra, cần tăng cường hơn nữa đào tạo nghề theo hình thức truyền nghề, nhân cấy nghề, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia đào tạo nghề, truyền nghề chú trọng các nghề truyền thống, cổ truyền. Mặt khác, tổ chức các cuộc thi tay nghề thợ giỏi phong tặng danh hiệu nghệ nhân,  hội thi sản phẩm làng nghề...

Cùng với đó, Hà Nội cũng nghiên cứu triển khai những giải pháp phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương đã được đề ra trong Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ như: Rà soát sắp xếp lại các làng nghề, làng nghề truyền thống phù hợp với các quy hoạch; Xây dựng tiêu chí và tổ chức đánh giá, xếp loại hoạt động làng nghề gắn với các mục tiêu phát triển bền vững; xây dựng và số hóa hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Việt Nam; Khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; Hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả và làng nghề mới; Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ làng nghề; Xây dựng các trung tâm bảo tồn và phát triển các giá trị của nghề, làng nghề; Đào tạo nâng cao năng lực nghệ nhân, thợ giỏi và nguồn nhân lực phục vụ phát triển làng nghề; Chuyển giao khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế; Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu; Xây dựng chuỗi liên kết giá trị làng nghề; Nâng cao hiệu quả phối hợp với các hiệp hội ngành hàng; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; Rà soát, hoàn thiện chính sách bảo tồn và phát triển làng nghề...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bảo Ngân