An Giang: Tối ưu hóa giá trị trên từng diện tích nông nghiệp

Tỉnh An Giang cần nhìn lại cách tiếp cận trong phát triển nông nghiệp để có bước đi đột phá. Không thể tiếp tục phân chia rạch ròi giữa nông nghiệp - lâm nghiệp - ngư nghiệp như những ngành tách biệt, An Giang cần tiếp cận nông nghiệp như một hệ sinh thái đa tầng, đa lĩnh vực, nơi mọi giá trị được tích hợp và cộng hưởng.

3-an-giang-1752495609.png

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, phát biểu tại Hội thảo khoa học “Định hướng phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030”

 

Đây cũng là tinh thần xuyên suốt trong phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan tại Hội thảo khoa học “Định hướng Phát triển kinh tế - xã hội và góp ý Văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang, nhiệm kỳ 2025-2030” diễn ra sáng 14/7 tại tỉnh ủy An Giang.

Theo ông, muốn tối ưu hóa giá trị trên từng diện tích đất sản xuất, An Giang phải tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo tư duy kinh tế, không chỉ đơn thuần là sản xuất, mà là tích hợp các giá trị về công nghệ, liên kết vùng, logistics, thương mại và văn hóa.

Một trong những đề xuất then chốt là xây dựng không gian kinh tế nông nghiệp liên kết “đồng bằng - biên giới - biển Tây”. Trong đó, Tứ giác Long Xuyên sẽ trở thành vùng lõi thực nghiệm mô hình nông nghiệp thông minh, nơi tích hợp các giải pháp công nghệ mới như canh tác chính xác, cảm biến khí hậu, số hóa đồng ruộng, hệ thống tưới tiêu thông minh và mô hình tuần hoàn – canh tác hữu cơ.

Khu vực biên giới là không gian có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế biên mậu, thông qua quy hoạch vùng đệm sản xuất và liên kết với thị trường Campuchia. Biên giới sẽ không còn là ranh giới hành chính mà trở thành cửa ngõ giao thương nông sản.

Đối với khu vực biển Tây, nơi đây được định hướng phát triển thành một trục kinh tế biển xanh, kết hợp các lĩnh vực: điện gió, nuôi biển công nghệ cao, chế biến sâu – hướng tới chuỗi giá trị thủy sản bền vững. Phát triển kinh tế biển gắn với chiến lược ba trụ cột: Giảm khai thác - Tăng nuôi trồng - Bảo tồn biển, hiện thực hóa “Chiến lược Tam Ngư”: Ngư nghiệp - Ngư dân - Ngư trường.

Để chuyển đổi mạnh mẽ, An Giang cần phát triển nông nghiệp dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo và đặc biệt là phát huy vai trò dẫn dắt của kinh tế tư nhân. Các viện nghiên cứu, trường đại học – nhất là trong các lĩnh vực lúa gạo, thủy sản, biến đổi khí hậu – cần đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển giao tri thức và kỹ thuật cho địa phương.

Thực hiện các mô hình thử nghiệm an toàn (“sandbox”) trong nông nghiệp sẽ giúp tạo môi trường khuyến khích đổi mới: từ các hợp tác xã, tổ liên kết nông dân, có thể triển khai công nghệ cảm biến trong quản lý trang trại, ứng dụng số hóa trong sản xuất và phân phối, mô hình tuần hoàn khép kín, và nhất là canh tác hữu cơ – giảm phát thải phù hợp với các tiêu chuẩn thị trường quốc tế.

Song song, việc kết nối với các tổ chức quốc tế, tìm kiếm ý tưởng và mô hình canh tác tiên tiến từ những quốc gia có điều kiện tương đồng sẽ giúp An Giang đi nhanh hơn trên con đường hiện đại hóa nông nghiệp.

An Giang cần kiến tạo một hệ sinh thái doanh nghiệp tư nhân trong nông nghiệp, với các doanh nghiệp đầu đàn đóng vai trò dẫn dắt ngành hàng, đầu tư vào logistics và công nghệ chế biến. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã có thể hoạt động như “vệ tinh”, cung cấp dịch vụ kỹ thuật, sản xuất đầu vào, sơ chế, để từng sản phẩm nông nghiệp mang theo giá trị văn hóa và câu chuyện riêng biệt.

Cuối cùng, người nông dân cần được trao quyền và nâng cao năng lực, để trở thành trung tâm sáng tạo của nông nghiệp hiện đại. Họ không chỉ là người sản xuất, mà còn là người quyết định, người tham gia vào thị trường và liên kết với chuỗi giá trị toàn cầu. Đào tạo, huấn luyện và đồng hành cùng nông dân là nhiệm vụ không thể thiếu nếu muốn có sự chuyển đổi thực chất.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, nhấn mạnh, “ba cùng” - cùng làm, cùng hiểu, cùng tạo dựng – phải trở thành khẩu hiệu hành động của cán bộ ngành nông nghiệp. Phải xuống tận nơi, hiểu được vì sao một hộ dân mãi chưa thoát nghèo, một hợp tác xã hoạt động chưa hiệu quả, hay vì sao thanh niên chưa mặn mà với nghề nông. Những câu hỏi đó, trả lời được chính là giải pháp chuyển đổi thiết thực nhất.

Tối ưu hóa giá trị trên từng diện tích đất nông nghiệp không còn là khẩu hiệu, mà là một chiến lược tổng thể cần có cách tiếp cận mới – tiếp cận hệ sinh thái, tư duy kinh tế, tích hợp công nghệ và kết nối cộng đồng. Với lợi thế địa lý, bản sắc văn hóa và tiềm năng đa dạng, nếu An Giang thực hiện đúng hướng đi này, vùng đất đầu nguồn sẽ sớm trở thành một trung tâm nông nghiệp thông minh, xanh và bền vững của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.