Vị ân nhân của Bác Hồ

Ngày 25 tháng 4 năm 1928, Quốc tế Cộng sản ra quyết định đồng ý để Nguyến Ái Quốc trở về hoạt động ở châu Á. Đầu tháng 6 năm 1928, Nguyễn Ái Quốc rời Berlin (Đức) đi Thuỵ Sỹ, đến Milan (Italia), rồi đáp tàu thuỷ Nhật Bản về Thái Lan, đến Udon Thani (vùng Đông Bắc Thái Lan), dưới cái tên Thầu Chín, để vận động phong trào yêu nước của Việt kiều.

Tại đây, được tin các tổ chức Cộng sản Việt Nam hoạt động riêng rẻ, Nguyễn Ái Quốc từ Thái Lan bí mật sang Hồng Kông, triệu tập Hội nghị, họp thống nhất các tổ chức Cộng sản Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3 tháng 02 năm 1930. Đồng thời Nguyễn Ái Quốc tiếp tục ở lại Hồng Kông hoạt động cách mạng dưới cái tên Tống Văn Sơ, bí mật trú tại ngôi nhà số 186 phố Tam Cung, Cửu Long, Hồng Kông và cũng là nơi trở thành trụ sở liên lạc bí mật giữa Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí hoạt động cách mạng khác.

Tên tuổi Nguyễn Ái Quốc, đã bị mật thám Pháp ở Đông Dương để ý không chỉ sau khi Người chủ trương thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam thống nhất, mà ngay từ khi thay mặt “Hội những người Việt Nam yêu nước” tại Pháp, ký tên vào “Bản yêu sách của nhân dân An Nam” (Devendications du Peuple Annam) gửi Hội nghị Hoà bình Versailles (ngày 18/6/1919), Pháp, cho đến ngày thành lập Đảng Công sản Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã trở thành một nhân vật quan trọng trong mưu kế lùng bắt của thực dân Pháp ở Đông Dương. Vì vậy, hoạt động giữa vòng vây nhiều kẻ thù, kèm theo một bản án tử hình vắng mặt của toà đại hình Vinh (Nghệ An), theo phán quyếtm số 115, ngày 10 tháng 10 năm 1929, cùng lệnh truy nã của thực dân Pháp là những khó khăn, nguy hiểm cận kề đối với Nguyễn Ái Quốc. Trong hoàn cảnh đó, dù đã rất cẩn trọng, tính toán từng bước đi, nhưng không may địa chỉ của Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông đã rơi vào tay mật thám Anh ở Hồng Kông. Từ đó, đã diễn ra cuộc mặc cả giữa mật thám Pháp ở Đông Dương và mật thám Anh ở Hồng Kông, kèm theo điều kiện đôi bên đều có lợi, đã dẫn đến cuộc vây ráp, bắt lén Nguyến Ái Quốc – Tống Văn Sơ tại số nhà 186 phố Tam Cung, Cửu Long, Hồng Kông Trung Quốc vào ngày 06 tháng 6 năm 1931.

39a-01-1679804093.jpg

Được tin Tống Văn Sơ – Nguyễn Ái Quốc bị cảnh sát Hồng Kông bắt giam, nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, đã nhanh chóng nhờ Liên đoàn Quốc tế Cứu tế Đỏ, liên lạc được với luật sư Francis Henry Loseby, một vị luật sư tiến bộ người Anh đang cư ngụ tại Hồng Kông, để nhờ ông ta giúp đỡ và ông đã vui vẻ nhận lời.

Việc cảnh sát Hồng Kông bắt lén người là trái pháp luật đã bị luật sư Loseby tố cáo. Do đó, Sở Cảnh sát Hồng Kông buộc phải đồng ý để luật sư Loseby vào gặp Tống Văn Sơ vào ngày 24 tháng 6 năm 1931.

37-01-lon-1679805386.jpeg

Qua cuộc tiếp xúc đầu tiên với Tống Văn Sơ, khiến vị luật sư vô cùng cảm kích, nên ông đã tìm mọi cách bào chữa cho Người, đồng thời ngăn cản âm mưu chính quyền Hồng Kông giao nộp Nguyễn Ái Quốc cho chính quyền thực dân Pháp ở Đông Dương.

Trong cuộc nói chuyện và trả lời những câu hỏi xung quang vụ án mà luật sư nêu ra, Tống Văn Sơ cảm ơn sự quan tâm của luật sư với mình, nhưng tỏ ý băn khoăn vì không có tiền để trả công cho ông! Nhưng những cử chỉ lịch thiệp, với vẻ cương nghị và sự thông minh trong từng câu nói tiếng Anh, với đôi mắt sáng ngời, vầng trán cao... đã làm vị luật sư vô cùng cảm động và nói:

- Tôi nhận giúp ông vì danh dự công lý, chứ không phải vì tiền! Tôi sẽ dùng mọi sự hiểu biết pháp luật để cứu giúp, mong ông tin tưởng và cung cấp cho tôi những điều gì có thể giúp vào việc bênh vực trắng án.

Trở về văn phòng của mình, luật sư Loseby bàn bạc kỹ với luật sư F. C. Tenkin, người cộng sự đắc lực của ông, thay mặt ông bào chữa trước toà cho Tống Văn Sơ. Đồng thời khi trở về tư gia luật sư Loseby đã kể cho vợ mình nghe về người tù bị giam giữ. Bà vợ luật sư cảm kích trước lời kể của chồng, đã vội vàng đi mua quà, thuốc men cần thiết, rồi trực tiếp vào nhà lao thăm Tống Văn Sơ. Sau đó qua sự giới thiệu của bà nhiều người bạn thân khác của bà đã đến thăm Tống Văn Sơ. Mọi người đều hết sức quý mến và khâm phục người thanh niên Việt Nam yêu nước ngày một tăng lên.

Thời gian Tống Văn Sơ bị giam cầm ở ngục tối Victoria, cũng thồng thời là khoảng thời gian nước rút của cuộc đua giữa một bên là gia đình luật sư Loseby cùng những người bảo vệ Tống Văn Sơ và bên kia là sự cấu kết có điều kiện giữa mật thám Anh và mật thám Pháp muốn hãm hại Tống Văn Sơ – Nguyễn Ái Quốc.

Trước đòi hỏi của công luận, của những phương tiện thông tin truyền thông, báo chí, luật sư Loseby yêu cầu đưa vụ án Tống Văn Sơ ra xét xử trước Tối cao Pháp viện. Do tính chất đặc biệt của vụ án, sự giúp đỡ tài trợ của luật sư Loseby và những người cộng sự thông minh và sự nhất quán trong từng câu trả lời của Tống Văn Sơ, đã buộc toà án phải xét xử công khai, minh bạch.

42c-01-1679804069.jpg

Tống Văn Sơ đã phải trải qua 3 cuộc thẩm vấn của Thư ký Trung Hoa vụ Hồng Kông và 9 phiên toà xét xử tại Hồng Kông, từ phiên toà thứ nhất diễn ra ngày 31 tháng 7 năm 1931, vô cùng căng thẳng và quyết liệt, đến phiên cuối cùng vào ngày 12 tháng 9 năm 1931, nhưng việc trả tự do cho Tống Văn Sơ vẫn không được giải quyết. Luật sư Loseby cùng những người cộng sự đã quyết định kháng án lên toà án Viện Cơ mật Hoàng gia Anh.

Tiền án phí và những thủ tục bắt buộc đã được luật sư Loseby lo đầy đủ và được hai người bạn thân của luật sư Loseby là luật sư Denis Noel Pritt và luật sư Stafford Cripps ở London đã nhận lời giúp đỡ Tống Văn Sơ. Theo luật sư Cripps vụ án này là một biểu hiện xấu xa cho chính quyền Hồng Kông và Bộ Thuộc địa Anh, nên luật sư đã tìm cách thoả thuận giữa luật sư đại diện cho Bộ Thuộc địa Anh và luật sư của Tống Văn Sơ. Kết quả toà án Viện Cơ mật Hoàng gia Anh đã đồng ý trả tự do cho Tống Văn Sơ – Nguyến Ái Quốc, bằng cách cho Tống Văn Sơ được tự do lựa chọn nơi mình đến.

Ngày 28 thánh 12 năm 1932, Tống Văn Sơ được trả tự do, nhưng khi vừa đến Singapore, Tống Văn Sơ bị buộc phải quay lại Hồng Kông. Và ngày 19 tháng 01 năm 1933, Người lại bị cảnh sát Hồng kông bắt giam.

Ngay lúc ấy, Nguyễn đã kịp thời báo tin cho luật sư Loseby. Và một lần nữa nhờ ông giúp đỡ. Luật sư Loseby đã đề nghị Thống đốc Hồng Kông can thiệp. Và Thống đốc Hồng Kông đã ra lệnh thả Tống Văn Sơ và hạn trong 3 ngày Tống Văn Sơ phải rời khỏi Hồng Kông.

40b-01-lon-1679805386.jpeg

Trước tình thế cấp bách đó, luật sư Loseby đã phải vạch kế hoạch bí mật tổ chức cho Tống Văn Sơ trốn thoát. Được gia đình luật sư Loseby chuẩn bị chu đáo, ngày 22 tháng 01 năm 1933. Tống Văn Sơ – Nguyễn Ái Quốc đã cải trang thành một thương gia Trung Quốc giàu có, cùng viên thư ký (chính là thư ký của luật sư Loseby tên là Lung Ting Chang) tháp tùng, đi trên một chiếc xuồng sang trọng ra khơi rồi lên tàu Anhui đi Hạ Môn. Tàu cập bến Hạ Môn vào ngày 25 tháng 01 năm 1933 đúng 30 Tết Âm lịch.

Ở Hạ Môn một thời gian, Nguyễn Ái Quốc đi Thượng Hải. Tại đây, Người nhờ bà Tống Khánh Linh giúp đỡ, Nguyễn Ái Quốc bắt liện lạc được với Quốc tế Cộng sản, và trở lại Liên Xô an toàn.

Tạm biệt gia đình luật sư Loseby, tạm biệt cháu Pat yêu quý, tạm biệt Hồng Kông với bao kỷ niệm vui, buồn, Tống Văn Sơ – Nguyễn Ái Quốc và sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh, lại tiếp tục hành trình tìm đường giải phóng dân tộc giải phóng đất nước.

Mùa Xuân năm 1941, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng Việt Nam, Dương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, do Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập, đã đưa cuộc cách mạng giải phóng dân tộc đi đến thắng lợi với cuộc Cách mạng tháng Tám thành công, và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (nay là Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam)./

 

Trần Mạnh Thường

Link nội dung: https://www.nongthonvaphattrien.vn/vi-an-nhan-cua-bac-ho-a4041.html