Tiền bạc

Tiền bạc thì ai cũng cần, ai cũng thích, nhưng quan trọng là tiền đó có phải do phước của mình hay không. Nếu tiền không phải do phước của mình thì mãi mãi chẳng bao giờ là của mình. Nếu người ta có ban cho mình thì chỉ là món nợ phải trả về sau mà thôi. Người mắc nợ thì cứ ở kèo dưới, phải lệ thuộc, và rất dễ bị xem thường.

z4178389636756-fae79a539cc3cd98a786176a13f5bda6-1678697803.jpg

Người hiểu đạo lý, có trí tuệ, có đạo đức rất sợ sử dụng tiền của người khác. Tiền không phải do mình làm ra thì vẫn không phải của mình. Nếu thật sự có tình yêu thương với nhau ai cũng phải cống hiến đóng góp thật nhiều công sức cho xứng đáng với đồng tiền mà mình thụ hưởng. 

Ta cũng đừng nghĩ tìm về sống ở một nước giàu để hưởng phúc lợi trợ cấp dồi dào. Tiền thuế của dân người ta là mồ hôi xương máu, nào giờ mình chẳng đóng góp gì rồi chỉ tìm cách nhập cư để hưởng lợi thì sau này trả vất vả vô cùng.

Quan điểm hay nhất vẫn là sống để cống hiến, đến nơi nào thì cống hiến nơi đó, còn giờ phút nào được sống là cứ cống hiến hết mình, còn quyền lợi thì cứ để cho trời đất tính, chứ đừng tham lam mong cầu làm chi. Nghe có vẻ thụ động, nhưng đó là chân lý.

Khi ta có phúc bởi vì đã cống hiến cho đời rất nhiều, thì tự nhiên những niềm vui, hạnh phúc, may mắn, và cả tiền bạc sẽ tự nhiên tìm đến một cách trân trọng đàng hoàng dù ta giữ lòng tự trọng rất kỹ. 

Còn phải mưu tính này kia để thu về cho mình thì có thể tạm thành công trong giai đoạn đầu, khúc sau cũng lại quay về điểm xuất phát.

Dè dặt khi có quyền lợi, nhiệt tình khi được cống hiến, đó là khôn ngoan nhất.

Trích sách NỀN TẢNG ĐẠO ĐỨC

Link nội dung: https://www.nongthonvaphattrien.vn/tien-bac-a3926.html