Luồng sinh khí mới từ hướng nông nghiệp tích hợp đa giá trị

Có thể thấy, tư duy sản xuất nông nghiệp chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội đối với người nông dân và doanh nghiệp. Các địa phương ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng: nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.

Tại Việt Nam, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái đã phát huy hiệu quả.

Đánh thức giá trị nông sản Việt

Các địa phương đang ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng: nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.

Các chuyên gia kinh tế đã chỉ ra rằng khâu sản xuất thô chỉ chiếm 12 - 13% giá trị của các sản phẩm nông nghiệp. Như vậy, hơn 80% còn lại nằm ở những khâu sau thu hoạch. Nếu khai thác được hết, Việt Nam có thể hình thành nền kinh tế nông nghiệp đủ sức tạo ra sự phát triển bền vững ngay cả trong điều kiện bất lợi hay biến động. Nông nghiệp đa giá trị là hướng đi của tương lai.

Hàng trăm gốc chè cổ thụ ở đây đã được đánh thức. Từ việc chỉ biết đến chè xanh như một thức uống thông thường, nay nhiều bà con người Mông ở Suối Giàng, tỉnh Yên Bái, đã trở thành những sứ giả cho một giá trị mới. Người tạo ra sự thay đổi này là anh Đào Đức Hiếu. Rời bỏ một công việc ở thành phố, 3 năm nay anh Hiếu đã cùng ăn cùng ở cùng làm với bà con.

Từ sự hướng dẫn của anh, lần đầu tiên đồng bào Mông biết rằng, vẫn cây trà cổ thụ trăm năm đó, nhưng cách thu hái khác nhau sẽ chế biến được thành các sản phẩm trà khác nhau, đem lại giá trị cao gấp 10 - 15 lần so với trước. 1 kg bạch trà có giá lên tới 12 triệu đồng. Trà càng để lâu càng quý, càng tăng thêm giá trị. Cũng vì thế, người Suối Giàng giờ có thể tự hào khi trà của bản đã xuất hiện trong khách sạn 5 sao, nhà hàng cao cấp, sân bay...

"Sau khi đi hơn 30 quốc gia và thấy rằng mỗi quốc gia đều có một cách làm trà đặc biệt. Trong gần 10 vùng trà cổ thụ tại Việt Nam, có lẽ Suối Giàng là nơi có đủ điều kiện nhất để có thể thay đổi con đường trà Việt", anh Đào Đức Hiếu, Giám đốc Hợp tác xã Hệ sinh thái du lịch Suối Giàng, Văn Chấn, Yên Bái, cho biết.

Khát vọng của anh Hiếu là làm sao để những đứa trẻ Mông, chủ nhân tương lai của đỉnh núi sẽ phải hiểu về trà, biết nói với thế giới về trà của bản mình. Hai năm nay, lớp học chia sẻ luôn rộn ràng.

Trà suối Giàng đã mở ra những khát vọng thay đổi cho nhiều thôn bản của Tây Bắc. 500 loài cây dược liệu, hàng trăm nông sản đặc hữu vốn tri thức bản địa là những điều hiếm có.

Tây Bắc với khát vọng trở thành trung tâm dược liệu, trung tâm sinh thái, chính là con đường để nhiều giá trị Việt được đánh thức.

Khát vọng nông dân triệu đô

Câu chuyện ở Yên Bái đã cho thấy Nghị quyết 19 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã thực sự đi vào cuộc sống. Các địa phương ngày càng hướng đến một nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng: nâng cao giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh.

Hiện, tại các địa phương có thế mạnh về nông nghiệp, bà con còn khai thác những giá trị gia tăng từ nông nghiệp, kết hợp văn hóa, du lịch... để tạo nên một điểm đến thu hút du khách.

Nếu trước đây, nói đến nông nghiệp, giới trẻ có vẻ ít mặn mà, nhưng nay thì khác. Nông nghiệp ngày càng có sự hấp dẫn người trẻ, họ tiếp nối các thế hệ đi trước với khát vọng trở thành nông dân triệu đô, đưa Việt Nam trở thành quốc gia lớn mạnh về nông nghiệp.

Giá trị nông sản tăng cao nhờ nông dân đổi mới tư duy, tích hợp đa giá trị.

Sở hữu hơn 1.000 ha đất nông nghiệp, ông Huy (Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An) được xem là đại diện cho một thế hệ nông dân lái xe hơi thăm đồng. Bố con ông Huy đã và đang cụ thể hóa một khát vọng trở thành những nông dân triệu đô. Luôn ở trong tâm thế khởi nghiệp nông nghiệp là cách để tìm ra những hướng đi mới, những giá trị mới.

Thuận, con trai ông Huy giờ đã có thể quản trị một ngành hàng thay bố. Năng lượng của một người trẻ đang tạo ra những đột phá cả về tư duy và hành động.

"Con đường Thuận muốn tạo ra thị trường khó tính nhất, để cho anh em trong công ty va chạm cái khó nhất, khi cái dễ hơn thì hiển nhiên mình được thông qua. Mình làm cũng được 5 năm, tạo ra thương hiệu. Hy vọng mình cũng có một cái tên trên bản đồ nông nghiệp trái cây thế giới. Lúc nào cũng tự tin", ông Võ Quang Thuận, Quản lý trang trại Long An, chia sẻ.

Tự tin vì biết đó là lợi thế quốc gia. Hiểu về lợi thế sẽ biết cách làm cho lợi thế trở thành sức mạnh. Con đường nông sản năm 2023 sẽ là năm của những khát vọng vươn tầm. Một thế hệ nông dân triệu đô sẽ cùng Việt Nam cất cánh.

Đánh thức tiềm năng nông nghiệp đa giá trị, khai thác và sử dụng hiệu quả phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh chế biến, hướng tới sản xuất nông nghiệp theo tiêu chí tuần hoàn bền vững, đó là kết quả của sự chuyển đổi từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp để thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2050, Việt Nam trở thành một trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới.

Tạo sinh khí mới

Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan cho rằng, xu thế mới của thế giới trong nền kinh tế nói chung chứ không riêng trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng là “less in more” và “more from less” tức là “ít hơn nhưng được nhiều hơn” và “được nhiều hơn từ cái ít hơn”. Thông qua công nghệ, mô hình nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp sinh thái có thể giải quyết được điều này và là đại diện cho giá trị “được nhiều hơn từ cái ít hơn” từ những mô hình đơn giản.

Nhận thức rõ điều này, Nghị quyết số 19 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu nông nghiệp là lợi thế quốc gia, trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, tích hợp đa giá trị theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh, gắn với đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản sau thu hoạch và phát triển thị trường nông sản cả ở trong nước và ngoài nước; bảo đảm an toàn thực phẩm, an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Những đóng góp của khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp cho thấy việc phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao là hướng đi đúng.

Có thể thấy, tư duy sản xuất nông nghiệp chuyển sang tư duy kinh tế nông nghiệp đã bắt đầu bén rễ vào nhận thức xã hội đối với người nông dân và doanh nghiệp. Chúng ta thấy, không thể quay lại con đường sản xuất nông nghiệp lấy tiêu chí sản lượng để làm mục tiêu phấn đấu nữa, mà bắt đầu có rất nhiều nghiên cứu bắt đầu tư duy cần làm gì để tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp. Càng ngày càng thấy rõ vấn đề định vị rõ thị trường có vai trò quan trọng hơn sản xuất, bởi sản xuất mà không có thị trường thì sản xuất sẽ bị tắc nghẽn. Do đó, vai trò kiến tạo của nền nông nghiệp và kiến tạo không gian thị trường rất quan trọng, thể hiện rất rõ trong năm 2022: Chúng ta mở cửa rất nhiều thị trường, mở cửa cho rất nhiều loại nông sản của Việt Nam tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Quan trọng hơn, chúng ta chứng minh được một điều: Nông sản của chúng ta về mặt chất lượng có thể đảm bảo đến các thị trường khó tính nhất...

Đó là những tín hiệu cho thấy, tinh thần của Nghị quyết 19 về nông nghiệp, nông dân, nông thôn hay chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn đã bắt đầu lan tỏa ra xã hội, nhận thức của xã hội về vai trò của nông nghiệp chuyển sang một tư duy mới, mô hình mới tích hợp tăng trưởng tương đương giá trị sang tăng trưởng tích hợp đa giá trị. Những mô hình nông nghiệp mới như lúa – tôm, lúa – rươi, mô hình du lịch nông nghiệp tạo ra những sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm)… đã tạo ra một sinh khí mới thay vì chúng ta chỉ đi theo một con đường sản lượng như trước kia.

Doanh nghiệp đã biết hướng đến các thị trường cao cấp hơn để  tạo ra được lợi nhuận cao hơn cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Tư duy thị trường đã bắt đầu bén rễ hay nói cách khác là tư duy thị trường - sản xuất làm ra những sản phẩm thị trường yêu cầu, từ bán cái mình có sang bán cái thị trường cần đã được doanh nghiệp và người nông dân quan tâm. Sự dấn thân của những doanh nghiệp xuất khẩu gạo chất lượng cao sang thị trường EU hay thị trường Nhật Bản như Tân Long, Trung An, Lộc Trời... là minh chứng rằng chúng ta đã đúng khi hướng vào vấn đề chất lượng, hướng về yêu cầu của từng loại thị trường khác nhau.

Câu chuyện gạo Việt sang EU dù ở giai đoạn này quy mô chưa lớn, sản lượng chưa nhiều, nhưng rõ ràng là tín hiệu cho thấy chúng ta đã thay đổi; khi thay đổi, chúng ta đã tạo ra được giá trị gia tăng mới cao hơn.

Cái được của ngành Nông nghiệp thời gian qua là đang dần thoát "lời nguyền" nông dân thì tư duy mùa vụ, doanh nghiệp thì tư duy thương vụ. Bắt đầu đã có nhiều nghiên cứu của các chuyên gia, nhà khoa học và nhiều hành động của các hiệp hội, ngành hàng, tổ chức nông dân có tư duy tạo ra giá trị gia tăng theo xu thế kinh tế nông nghiệp.

Nước ta đã mở ra rất nhiều thị trường, mở cửa cho nhiều loại nông sản tiếp cận thị trường khó tính để đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Trong năm 2022, Việt Nam đã đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa, sầu riêng, khoai lang... sang Trung Quốc; mật ong sang Liên minh châu Âu (EU).

Cùng với đó, Việt Nam đã khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để quả bưởi tươi (citrus maxima) là loại trái cây thứ bảy của nước ta được nhập khẩu vào thị trường Mỹ. Như vậy, nông sản của Việt Nam về mặt chất lượng có thể đáp ứng các thị trường khó tính nhất…

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp được tạo ra, thị trường không chỉ tiếp nhận bằng giá cả, bằng chất lượng mà còn quan tâm quá trình sản xuất có tác động tới môi trường thiên nhiên, đa dạng sinh học, hiệu ứng nhà kính, biến đổi khí hậu... hay không. Đây là sức ép buộc ngành Nông nghiệp phải thay đổi./.

Chu Thao (TH)

Link nội dung: https://www.nongthonvaphattrien.vn/luong-sinh-khi-moi-tu-huong-nong-nghiep-tich-hop-da-gia-tri-a3570.html