Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 bội thu - Triển vọng năm 2023

Bước sang năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, ngành nông nghiệp đặt ra các mục tiêu tăng trưởng như: Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD...

Xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2022 bội thu

Năm 2022, xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kết quả cao kỷ lục với 53,22 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2021, thặng dư thương mại trên 8,5 tỷ USD và chiếm tới gần 76% xuất siêu của cả nền kinh tế.

Có 7 sản phẩm/nhóm sản phẩm kim ngạch trên trên 3 tỷ USD gồm: Gỗ và sản phẩm gỗ đạt 10,92 tỷ USD; tôm 4,33 tỷ USD; cà phê 3,94 tỷ USD; gạo 3,49 tỷ USD; cao su 3,31 tỷ USD; rau quả 3,34 tỷ USD; hạt điều 3,07 tỷ USD. Riêng ngành thủy sản cũng đã tạo lập nên kỷ lục mới của ngành khi ước xuất khẩu đạt gần 11 tỷ USD.

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT thành công trong xuất khẩu của ngành nông nghiệp năm 2022 chính là việc mở cửa thị trường. Nhiều nông sản, trái cây đã chạm ngõ được các thị trường khó tính. Đặc biệt, trong năm 2022, Việt Nam đã ký được 4 nghị định thư với Trung Quốc về xuất khẩu sầu riêng, chuối, khoai lang và tổ yến.

ghepqhf-lflq-3200-1672855030.png

Năm 2023 được dự báo sẽ là năm bùng nổ của ngành rau quả

Theo đó, thành tích của ngành nông nghiệp có được là nhờ đã bám sát và thực hiện công tác điều hành, quản lý một cách linh hoạt, thích ứng với những yêu cầu mới của thị trường, cũng như khủng hoảng năng lượng, lạm phát toàn cầu, và bất ổn của địa chính trị. Dựa trên chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp Bộ Công thương tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại. Một trong những kết quả gần đây nhất là bà con nông dân đã xuất khẩu thành công bưởi sang thị trường Vương quốc Anh.

Nhìn lại kết quả toàn ngành năm 2022, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã quyết tâm cao, nỗ lực lớn trên tất cả mọi hoạt động. Toàn ngành đã thực hiện đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp và việc “đổi mới tư duy” để vượt qua khó khăn, thách thức từ các “tình huống bất bình thường” của thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm đạt các mục tiêu phát triển.

Triển vọng năm 2023

Bước sang năm 2023, dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dù vậy, ngành nông nghiệp đặt ra các mục tiêu tăng trưởng như: Tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt 3%; tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản là 54 tỷ USD; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 78%; tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định 42%, nâng cao chất lượng rừng; tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch hợp quy chuẩn 57%; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 80%.

Nhấn mạnh ngành nông nghiệp không chỉ tăng trưởng về số lượng mà sẽ tiếp tục tái cơ cấu theo hướng đi sâu hơn nữa vào phát triển chất lượng trong năm 2023, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ rõ vấn đề này cần được triển khai bằng cách nâng cao nhận thức, tư duy cho người dân chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, nâng cao kỹ thuật canh tác gắn với chuyển đổi số, chuyển từ sản xuất đơn giá trị sang đa trị.

nongsan-14-12huong-1672855209.jpeg
Dự báo xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ gặp nhiều khó khăn

"Trên cơ sở thành công của năm 2022, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phát huy lợi thế về nông sản và mở cửa thêm các thị trường trong năm 2023. Toàn ngành nông nghiệp cam kết đẩy mạnh cơ cấu lại theo hướng phát triển nông nghiệp sinh thái, hiện đại, kinh tế tuần hoàn,” Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho hay.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong năm 2023 là mở cửa thị trường quốc tế thông qua việc tận dụng các FTA thế hệ mới, tháo gỡ rào cản thương mại ở thị trường mới, vượt qua hàng rào kỹ thuật của thị trường khó tính. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng lưu ý toàn ngành nông nghiệp chú trọng hơn vào thị trường trong nước, giúp người dân được sử dụng nhiều sản phẩm chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm hơn.

Từ ngày 8/1/2023, Trung Quốc sẽ mở cửa biên giới và bỏ cách ly sau khi hạ cấp phòng dịch Covid-19. Theo đó, hàng loạt các biện pháp phòng, chống dịch sẽ được dỡ bỏ, giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa thuận tiện hơn.Đối với ngành nông nghiệp Việt Nam, đây được coi là cơ hội để nối lại và đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc- vốn là thị trường truyền thống rộng lớn và nhiều tiềm năng của nước ta, nhất là trong bối cảnh Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đang cận kề, nhu cầu về nguồn hàng nông sản, thực phẩm từ thị trường Trung Quốc chắc chắn cũng không ngừng tăng cao.

Hiện, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đang chuẩn bị tổ chức đoàn giao thương quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc. Đồng thời tiếp tục đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc các mặt hàng tiềm năng như: bưởi, na, dừa, chanh ta… nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu nông sản sang thị trường này.

Những xu thế tác động

Trao đổi với báo chí về những thách thức và cơ hội đối với nông sản xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới, Chuyên gia nông nghiệp Đặng Kim Sơn nhận định sẽ có 3 xu hướng tác động chính tới thị trường nông sản nói chung.

Biến động thứ nhất đến từ các nước khó khăn như châu Phi, Nam Á, với khả năng tình trạng thiếu lương thực, mất an ninh lương thực sẽ xảy ra tại các nước này, do giá vật tư tăng cao, đứt gãy các chuỗi cung ứng và kinh tế suy thoái.

Theo đó, giá một số mặt hàng mang ý nghĩa sống còn với an ninh lương thực như lúa gạo, thủy sản tại đây sẽ trở nên ngày càng đắt đỏ, nhất là khi kho dự trữ trên thế giới không có nhiều. Điều này sẽ tác động đến thị trường nông sản toàn cầu và cơ hội cho những nước sản xuất nông nghiệp như Việt Nam.

Biến động thứ hai đến từ việc những nền kinh tế tiên tiến như EU, Mỹ, Australia, Đông Bắc Á đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, dẫn đến nhu cầu nhập khẩu nông sản có thể sẽ giảm sút. Các mặt hàng như cà phê, tiêu, gỗ… vốn không phải mặt hàng thiết yếu sẽ giảm mạnh hoặc bị thay thế. Điều này sẽ tác động trực tiếp tới triển vọng xuất khẩu nông sản của Việt Nam vì đây đều là những thị trường xuất khẩu chính.

Theo chuyên gia Đặng Kim Sơn, biến động thứ ba là giá năng lượng tăng cao khiến giá phân bón, thức ăn gia súc tăng cao, dẫn đến giá thành chăn nuôi và trồng trọt bị đẩy lên. Các tác động giá cả này sẽ ảnh hưởng lớn đến các nước sản xuất nông nghiệp mạnh như Việt Nam. Do vậy, ngành nông nghiệp cần tính đến vấn đề, bán ra nhiều nông sản nhưng phải tìm cách tăng lợi nhuận, cân bằng cán cân thương mại giữa xuất và nhập.

“Hiện nay, cán cân xuất – nhập đang thu hẹp lại, lợi nhuận đang giảm, đặt ra yêu cầu cần nâng cao chất lượng trong sản xuất, giảm giá thành, quan trọng nhất là nhanh chóng kết nối thị trường, xây dựng hệ thống đường sắt, đường biển thay thế cho xuất khẩu đường bộ truyền thống như hiện nay”, chuyên gia Đặng Kim Sơn nhận định.

Đánh giá về triển vọng sắp tới, ông Sơn cho rằng, Việt Nam có cơ hội duy trì kỷ lục xuất khẩu nông sản trong năm 2023, do tiềm năng còn rất lớn và có thể đi xa hơn. Nhưng trước mắt, cần củng cố độ an toàn của sản xuất nông nghiệp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động của thiên tai, dịch bệnh, biến động thị trường. Về lâu dài, cần tìm ra giải pháp nâng cao giá trị xuất khẩu, giảm bớt giá thành sản xuất và tăng lên thị phần của doanh nghiệp trong nước.

Theo PGS.TS Đào Thế Anh - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Phát triển Nông thôn Việt Nam chia sẻ, năm 2022, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn thách thức song ngành nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tích ngoạn mục. Tuy nhiên trong năm 2022, Trung Quốc thực hiện chính sách Zero Covid, chuyển hướng sang sản phẩm an toàn và kiểm soát chất lượng nông sản chặt chẽ hơn, không còn là thị trường “dễ tính”. Đây vừa là khó khăn nhưng cũng là động lực cho các DN Việt Nam chuyển đổi mạnh mẽ phương thức sản xuất. Đặc biệt, ngành rau quả đã mở cửa được một loạt các mã trồng xuất khẩu vào Trung Quốc. Đây được xem là thành tích rất lớn và là kết quả bước đầu trong chặng đường 10 năm tới thực hiện chuyển đổi sang nghiệp sinh thái, bền vững và minh bạch.

 

 

Trang Viên

Link nội dung: https://www.nongthonvaphattrien.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-nam-2022-boi-thu-trien-vong-nam-2023-a3433.html