Bị cho phát ngôn sai sự thật - Một tu sĩ bị kiện bởi chính Phật tử

Ngày 26/12/2022, TAND TP. Hồ Chí Minh đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự, trong đó, nguyên đơn và bị đơn lần lượt là bà Phạm Thị Yến (được biết đến là Phật tử chùa Ba Vàng) và ông Trần Ngọc Thảo (Thượng tọa Thích Nhật Từ - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó Viện trưởng thường trực Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh). Trước đó, ông Thảo bị bà Yến cho là đã có những phát ngôn không đúng sự thật trên mạng xã hội, gây tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh dự và nhân phẩm của bà.

Luật sư của nguyên đơn (Bà Phạm Thị Yến) nói rằng phát ngôn của TT.Thích Nhật Từ là không đúng sự thật.

Ông Thảo đã từng yêu cầu Công an khởi tố bà Yến

Ngày 17/3/2020, trang web có địa chỉ http://baovechinhphap.com đã đăng tải bài viết có nội dung tố một Đại đức có hành vi “đạo văn” trong khi biên soạn bộ “A-tì-đạt-ma pháp uẩn túc luận”, thậm chí còn mạo danh Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam để xuất bản bộ sách này, trong khi không được Viện trưởng là Hòa thượng Thích Giác Toàn thông qua. Bài viết tại trang web trên đã đặt ra nghi vấn rằng ông Thảo có liên quan đến vụ việc này.

Ông Thảo cho rằng bà Phạm Thị Yến là chủ sở hữu và là người điều hành trang web http://baovechinhphap.com. Trong khi đó, bà Yến đã khẳng định trên các trang truyền thông rằng bản thân không sở hữu hay điều hành trang web này, và cũng không quan tâm đến việc ông Thảo có liên quan hay không. Tuy nhiên, ông Thảo vẫn liên tục quy kết là bà Yến đã vu khống mình. Để đáp trả sự việc trên, ông Thảo đã đăng tải nhiều bài viết, video trước đông đảo người tham gia cộng đồng mạng qua các nền tảng Youtube, Facebook với các phát ngôn ảnh hưởng nghiêm trọng tới danh dự của bà Yến.

Nghiêm trọng hơn, bà Yến khẳng định rằng ông Thảo đã từng yêu cầu Công an tỉnh Quảng Ninh khởi tố đối với bà, khiến bà bị triệu tập nhiều lần, trong khi bà khẳng định mình hoàn toàn không có hành vi vu khống đối với ông Thảo.

Không chấp nhận bị gán tội danh, bà Phạm Thị Yến quyết định khởi kiện

Tại một trong các video của mình, ông Thảo đưa tin: “Vào ngày 26/3/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chính thức phạt bà Phạm Thị Yến 5.000.000 đồng (năm triệu đồng Việt Nam) về tội truyền bá mê tín”. Bà Yến khẳng định thông tin này hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật. Bà Yến hoàn toàn không vi phạm quy định nào của pháp luật hình sự. Đến thời điểm hiện tại, chưa từng có cơ quan bảo vệ pháp luật nào kết luận bà Yến phạm tội như ông Thảo quy kết.

Tiếp đó, ông Thảo còn khẳng định: “Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã cấm bà Yến, không được quyền tạm trú trên toàn tỉnh Quảng Ninh”. Trong đơn khởi kiện, bà Yến cho rằng thông tin này hoàn toàn bịa đặt, sai sự thật nhằm bôi nhọ, xâm phạm tới danh dự, hạ thấp uy tín bà Yến trước cộng đồng, mạng xã hội. Trên thực tế, hình phạt cấm cư trú được quy định trong Bộ luật Hình sự. Do vậy, việc bà Yến bị UBND tỉnh Quảng Ninh cấm cư trú tại tỉnh Quảng Ninh là hoàn toàn sai sự thật.

Cho rằng các thông tin từ phát ngôn của ông Thảo được đăng tải lên mạng xã hội gây tổn hại đến hình ảnh, danh dự, nhân phẩm của mình, ngày 16/01/2021, bà Phạm Thị Yến đã quyết định khởi kiện, yêu cầu ông Thảo xóa bỏ các thông tin trên, xin lỗi công khai và bồi thường thiệt hại một cách thỏa đáng.

Ngày 16/01/2021 bà Phạm Thị Yến đã khởi kiện ông Trần Ngọc Thảo (Pháp danh Thích Nhật Từ).

Tại bản khai ngày 30/3/2021 và quá trình giải quyết vụ án, Luật sư phía ông Trần Ngọc Thảo trình bày: Ông Thảo nói nội dung trên về bà Yến là dựa vào một sự việc đã được các báo đồng loạt đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Ông Thảo phát biểu nhầm là trên toàn tỉnh Quảng Ninh, thay vì chỉ trong phạm vi chùa Ba Vàng. Do vậy, ông Thảo không đồng ý xin lỗi và bồi thường thiệt hại theo yêu cầu của bà Yến.

Tại phiên tòa sơ thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bà Yến cho rằng: ông Thảo thừa nhận đã nói chưa chính xác về bà Yến nên đã cắt bỏ đoạn video. Như vậy, đã nói sai là có lỗi, có lỗi thì phải xin lỗi và bồi thường cho bà Yến. Ông Thảo gán cho bà Yến “phạm tội”, “bị cấm cư trú”, những lời nói sai sự thật về bà Yến được nhiều người theo dõi và chia sẻ đã làm cho bà Yến tổn hại về tinh thần và vật chất (là các chi phí khắc phục hạn chế thông tin sai sự thật).

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã bác yêu cầu của bà Yến và cho rằng việc bà Yến bị xử phạt hành chính là có thật và việc ông Thảo chỉ nói lại theo thông tin báo chí, nhưng nói chưa chính xác.

Hành trình tìm lại công lý và suy ngẫm về “từ, bi, hỷ, xả”   

Không đồng ý với nội dung bản án sơ thẩm, ngày 08/7/2021, bà Phạm Thị Yến đã kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại cho đúng pháp luật.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/12/2022 vừa qua tại TAND TP. Hồ Chí Minh, đại diện của bà Phạm Thị Yến cung cấp thông tin: Chủ tịch UBND phường Quang Trung (TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) đã thu hồi Quyết định xử phạt hành chính 05 triệu đồng đối với bà Yến. Ông Thảo phải hoàn toàn chịu trách nhiệm với phát ngôn bịa đặt của mình theo Luật An ninh mạng và các Nghị định hướng dẫn về sử dụng mạng xã hội.

Đại diện của bà Phạm Thị Yến khẳng định Quyết định xử phạt bà Yến đã được thu hồi, nhưng không cung cấp Quyết định thu hồi cho Tòa án vì cho rằng trách nhiệm thu thập chứng cứ là của bị đơn khi bị đơn khẳng định bà Yến bị UBND tỉnh Quảng Ninh xử phạt và cấm cư trú trên địa bàn tỉnh.

Hội đồng xét xử đã tạm ngừng phiên tòa để thu thập chứng cứ theo thông tin mà nguyên đơn cung cấp. Dự kiến phiên tòa mở lại vào ngày 13/01/2023.

Sau khi thông tin vụ án dân sự được đăng tải rộng rãi trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng “... hàng Phật tử nên lấy tâm từ, bi, hỷ, xả để đối đãi với tu sĩ nếu họa may họ có sai lầm”, cũng như câu nhắc nhở của Thẩm phán chủ tọa trước khi tạm ngừng  phiên tòa phúc thẩm: “Phật hướng con người từ, bi, hỷ, xả nhưng nhiều người theo Phật mà lòng lại sân si”. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: “Tại sao chỉ đòi hỏi Phật tử nên lấy tâm từ, bi, hỷ, xả để đối đãi với tu sĩ, mà không đòi hỏi tu sĩ lấy tâm chân thật để xin lỗi Phật tử khi đã trót đưa tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của Phật tử?”.

“Từ, bi, hỷ, xả” - vốn dĩ không đơn giản. Từ bi không có nghĩa là im lặng, hỷ xả không có nghĩa là bỏ qua lỗi lầm của người khác. Có lẽ, khía cạnh Phật giáo, chúng ta chưa vội bàn tới. Hãy chờ đợi kết quả công tâm từ phía Tòa án!


 

Minh Trí

Link nội dung: https://www.nongthonvaphattrien.vn/bi-cho-phat-ngon-sai-su-that-mot-tu-si-bi-kien-boi-chinh-phat-tu-a3382.html