Đối với tôi, GS.VS. Đào Thế Tuấn, trước hết là người thầy. Người xưa có câu “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, nhưng thầy Tuấn đã cho tôi nhiều lắm chứ không phải là “nhất tự hay bán tự”. Số là từ khi vào học đại học Nông nghiệp ở Gia Lâm - Hà Nội, sau khi học xong các môn cơ bản, đến năm thứ 2 chuyển sang học các môn cơ sở, lúc đó thì thầy Tuấn dạy tôi về môn sinh lý thực vật. Hồi ấy thầy mới tốt nghiệp Phó Tiến sĩ ở Liên Xô về nên thầy rất to khỏe, bệ vệ. Tiếng nói có pha âm sắc của người Huế, nghe rất êm dịu. Thuở ấy học vị, học hàm trong ngành khoa học nông nghiệp được coi như là “lá mùa thu”, hiếm hoi lắm. Học vị PTS của thầy Tuấn được coi là chức danh khoa học nông nghiệp đầu tiên được nghe thấy ở miền Bắc.
Chưa biết là quan trọng đến mức nào nhưng cảm thấy rất to lớn, nhất là người tốt nghiệp từ phe Xã hội Chủ nghĩa - Liên Xô. Các thầy dạy trong trường có học vị cao nhất lúc ấy là kỹ sư canh nông thời Pháp. Với chức danh kỹ sư canh nông thời Pháp cũng là điều gì đó xa lạ đối với cánh học sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp - chống Mỹ; ít ra thì các vị ấy cũng biết nói tiếng Pháp, còn học sinh, sinh viên trong thời kỳ kháng chiến thì không trường nào dạy tiếng Pháp, tiếng Anh hay một thứ tiếng thuộc các nước tư bản khác. Tại thời điểm ấy, ở trường Đại học Nông lâm, ngoài PTS. Đào Thế Tuấn ra lúc ấy còn có một vị Tiến sĩ tốt nghiệp ở nước tư bản chủ nghĩa, đang làm việc, đó là TS. Lương Định Của. Thuở ấy, theo tin tức truyền miệng thì TS. Lương Định Của là một nhà di truyền học rất giỏi, có tiếng ở Nhật Bản, đồng thời là một người yêu nước thực sự.
Ông từ bỏ các chức vị cao sang mà Chính phủ bù nhìn mời gọi và dự định cấp cho ông. Ông vượt Trường Sơn ra Bắc đi theo cách mạng dù gian khổ, thiếu thốn trăm bề. Chính phủ Việt Nam quý trọng TS. Của và gọi ông là Bác sĩ Của, coi ông là một nhà bác học lỗi lạc. Vậy là hồi đó ngoài học vị Tiến sĩ của bác Của thuộc hệ tư bản, thì chỉ có học vị PTS của thầy Tuấn thuộc hệ XHCN, nên vai vế của thấy Tuấn cũng rất nổi bật. Khi tôi đi làm luận văn tốt nghiệp thì được cử về làm việc tại Bộ môn Sinh lý Thực vật của Viện KHNN ở Văn Điển (Viện này được tách ra khỏi học Học viện Nông lâm vào năm 1963, trở về đóng lại địa điểm cũ), và được thầy Tuấn là người hướng dẫn. Thầy Tuấn hướng dẫn chung, nhưng làm việc cụ thể thì do thầy Nguyễn Văn Uyển phụ trách. Luận văn của tôi có lẽ nhờ vậy mà được đánh giá xuất sắc khi bảo vệ tốt nghiệp tại trường.
Sau khi tốt nghiệp, tôi được phân công về làm việc tại Bộ môn Sinh lý thực vật do thầy Tuấn phụ trách. Khi tôi được cử đi làm nghiên cứu sinh, chuẩn bị thi tuyển thì thầy Tuấn cũng là người phụ đạo để học thi, và sau đó thầy Tuấn lại viết thư giới thiệu tôi với một cán bộ nghiên cứu về cây ngô ở viện KNEJA của Bulgaria để tôi liên hệ làm nghiên cứu. Bấy nhiêu sự kiện đủ để nói thầy Tuấn đối với tôi không phải nhất tự vi sư mà vạn tự vi sư. Trong quá trình làm việc tôi cũng học hỏi được thầy Tuấn nhiều điều bổ ích cho công tác của mình. Số là từ khi được về đầu quân tại Bộ môn Sinh lý thực vật , thuộc Ban Trồng trọt và BVTV, tôi được phân công nghiên cứu mảng sinh lý của bệnh lúa vàng lụi, là loại bệnh phá hại trên lúa ở quy mô ngày càng rộng. Lúc ấy, chiến tranh ngày càng ác liệt, lương thực nuôi sống cho số dân ở miền Bắc đã khó, nhưng còn phải làm việc để có thêm lương thực, thực phẩm chi viện cho miền Nam ruột thịt, trong đó canh tác lúa là khâu trọng yếu nhất.
Thầy Tuấn chủ trì trực tiếp nghiên cứu cả về mảng BVTV, cả về đất phân, giống và canh tác. Vì vậy, thầy Tuấn thường đi xuống cơ sở với anh chị em cán bộ nghiên cứu. Đi Tây Bắc, đi Vân Tập, Vân Hội của Vĩnh Phú hay đi đến Nam Hà và các vùng miền có bệnh đang phá hại để thảo luận, thêm bớt chỉ tiêu nghiên cứu. Thầy Tuấn rất giản dị, hòa đồng với anh em cán bộ các cấp. Dễ ăn, dễ ngủ, gặp đâu ngả lưng là ngủ, xong lại làm việc. Những năm 1967-1971 , thầy Tuấn được Bộ Nông nghiệp cử đi công tác tại Nghệ An, thời gian ấy gọi là đi thực tế, hay đi chỉ đạo sản xuất; dịp ấy thầy có điều kiện ba cùng với nông dân để nghiên cứu về nông dân, nông thôn. Thầy làm việc miệt mài cùng với cán bộ ở địa phương. Do phương tiện đi lại lúc ấy quá khó khăn, nên có khi mấy tháng liền thầy không về thăm nhà. Việc nhà giao phó lại cho cô Oanh, lúc ấy đang dạy ở Đại học Sư phạm đảm nhiệm. Tôi là người hàng tháng phải mang tiền lương của thầy Tuấn đến cho cô Oanh để lo chi tiêu trong gia đình. Khi tôi tốt nghiệp tiến sỹ ở Bulgaria trở về, lúc ấy bộ môn đã có người khác phụ trách. Sau đó, tôi lại được cử vào xây dựng cơ sở 2 ở TP. Hồ Chí Minh, để có thể bảo vệ cơ sở nghiên cứu của viện được liên tục. Khi yên ổn, tôi tiếp tục ở lại TP. Hồ Chí Minh, không trở lại làm việc tại viện ở Khoa học Nông nghiệp tại Văn Điển nữa. Cũng từ đó tôi không có điều kiện kề vai sát cánh làm việc bên cạnh GS.VS. Đào Thế Tuấn, nhưng tình cảm và ân huệ của thầy với tôi vẫn còn nguyên vẹn.
Từ đâu mà sự uyên bác, thông minh đến với GS.VS. Đào Thế Tuấn? Phải chăng là ngẫu nhiên mà có. Khi nghiên cứu về dòng dõi xuất thân, người ta thấy thầy Tuấn xuất thân từ một gia đình trí thức. Bố đẻ là ông Đào Duy Anh, một học giả nổi tiếng cả thời Pháp và thời kỳ cách mạng. Mẹ của thầy cũng là một nhà giáo đầy tâm huyết trong lĩnh vực dạy học và hoạt động xã hội. Sinh ra và lớn lên trong cái nôi ấy là điều kiện thuận lợi hiếm có. Nhưng người ta cũng nói thiếu gì người được hưởng điều kiện thuận lợi như vậy, mà vẫn không có được phong cách làm việc, nghiên cứu như thầy Tuấn. Đúng là như vậy. Ở thầy Tuấn có sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống gia đình và nội lực của bản thân thành một khối. Thầy Tuấn được thừa kế gen thông minh của gia đình, truyền thống giáo dục của bố mẹ trao lại. Nhưng nếu bản thân thầy Tuấn không có sự nỗ lực và lòng đam mê, thì sẽ không có được những thành công như thầy Tuấn đã có. Được trở thành người liên hệ nhiều với gia đình thầy Tuấn, tôi nhận ra thêm bên cạnh nội lực thì cũng có phần thuận lợi để thầy Tuấn phát huy thành thế mạnh. Đó là thuở niên thiếu, bố mẹ của thầy nuôi một người làm bà vú để chăm sóc thầy Tuấn khôn lớn. Về sau khi thầy Tuấn đã có gia đình, 1 vợ 2 con, thì chính bà vú này vẫn kế tiếp trở thành người chăm sóc cho 2 người con của thầy và coi như bà nội trong gia đình. Như vậy, 2 người con của thầy lớn lên chủ yếu nằm trong sự chăm sóc của bà; còn cô Oanh, vợ của thầy, cán bộ giảng dạy tiếng Nga ở trường Đại học Sư phạm, cũng có điều kiện hơn để lo cho công tác giảng dạy và nghiên cứu của mình .
Cô cũng gắng sức để giành thời gian cho thầy Tuấn làm việc. Gia đình cũng chỉ sống vào đồng lương của Nhà nước như những người khác, tuy đạm bạc nhưng yên lành. Thế là bản thân thầy Tuấn cũng có được một lợi thế khác so với các cán bộ ngành nông nghiệp các cấp lúc bấy giờ, đó là có thì giờ để “nghiên cứu”. Còn hầu hết cán bộ khác ngoài giờ làm việc ở cơ quan còn phải tay mặt, tay trái bươn trải để có thêm thu nhập cho gia đình, làm sao có thể có thì giờ để “nghiên cứu”. Như vậy, ở thầy Tuấn vừa kết hợp được tố chất thông minh, vừa kết hợp được điều kiện có dễ thở hơn người khác về thời gian, và có nội lực mạnh mẽ để tích lũy kiến thức phục vụ cho nghiên cứu. Ngoài ra, thuở ấy chế độ làm việc của thầy Tuấn cũng khá thoải mái. Có việc thì thầy đến cơ quan, hoặc dự họp hoặc bàn công việc, sau đó thầy làm việc ở nhà, ai cần thì đạp xe đến nhà thầy. Nhờ vậy, thầy cũng có thêm thì giờ để nghiên cứu. Đến phòng ở của thầy Tuấn, ngoài sách các loại chất đầy kệ thì không có gì khác. Ngồi phệt giữa sàn nhà, với tay là có sách, thầy đọc và ghi chép, cứ thế, hết ngày này qua tháng khác.Thời niên thiếu, thầy Tuấn được gia đình cho đi học sớm, thời còn trường của Pháp, được học tiếng Pháp, sau này đi học ở Liên Xô được thêm vốn tiếng Nga và tiếng Anh. Thầy cũng biết cả chữ nho nên có thể đọc được một số loại sách tiếng Trung. Nhờ vậy, thầy có thể thu góp tin tức khoa học từ nhiều nguồn. Mỗi bận có dịp đi công tác hay hội họp với chuyên gia nước ngoài, thầy chỉ chú tâm sưu tầm tài liệu và nếu còn chút tiền thì mua ít đồ chơi làm kỷ niệm. Tôi còn nhớ hồi thầy còn làm chủ nhiệm chương trình hợp tác với Pháp, nghiên cứu về hệ thống nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Hồng, mỗi lần sang họp ở Pháp, ngoài giờ họp, thầy chỉ bận tâm vào tìm đọc tài liệu để bổ sung cho công việc. Năm 1994, tôi được tham gia Hội nghị Hệ thống Nông nghiệp tại Montpellier, tình cờ được gặp thầy cũng tham gia hội nghị. Xong hội nghị thầy còn ở lại để sưu tầm tài liệu. Khi ra về, hành lý của thầy chỉ thấy lỉnh kỉnh những sách báo, tài liệu với vài kiểu đồ chơi làm kỷ niệm.
Tôi cũng được nghe bạn Cư, cán bộ của Sở Khoa học và Công nghệ (trước đây gọi là Ban Khoa học) thành phố Hồ Chí Minh kể lại, năm mới giải phóng miền Nam, anh Cư gặp thầy Tuấn đến thăm trụ sở của Ban Khoa học ở đường Điện Biên Phủ, là nơi lưu trữ rất nhiều tài liệu của nước ngoài. Người khác đi chơi, thăm họ thăm hàng, còn thầy Tuấn ở lại tại địa điểm ấy, suốt ngày đào bới trong đống sách cũ để tìm tài liệu. Anh Cư rất nể phục cử chỉ ấy của một nhà khoa học, vì anh Cư chưa từng thấy có nhà khoa học nào có được sự đam mê như vậy.
Khi thầy hoàn thành chuyến công tác, trở lại miền Bắc cũng chỉ mang theo những thứ lỉnh kỉnh như sách báo và tài liệu. Nói những điều này để thấy cả cuộc đời của thầy Tuấn chỉ chú tâm vào hoạt động khoa học, quên cả bản thân mình, nên nhiều khi không hiểu được những biến động của xã hội, thậm chí tỏ ra ngơ ngác khi nghe những chuyện bình thường xảy ra xung quanh cơ quan mình. Đam mê và đóng góp cho khoa học nông nghiệp của thầy Tuấn rất to lớn. Những thành tựu nghiên cứu của thầy đều được xã hội ghi nhận và được Nhà nước đánh giá xứng đáng bằng những danh hiệu cao quý như: Danh hiệu Giáo sư, Viện sĩ, Anh hùng Lao động, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Huân chương Hồ Chí Minh, Giải thưởng René Dumont hay Huân chương Công trạng NN và Cành cọ hàn lâm do Chính phủ Pháp tặng… Suốt cuộc đời, thầy đã làm việc hết mình vì nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đã để lại trong lòng của hàng ngũ cán bộ ngành nông nghiệp những kỷ niệm tốt đẹp, những ấn tượng sâu sắc không bao giờ phai nhạt mà không phải ai cũng có được.
GS.TS. Mai Văn Quyền
Link nội dung: https://www.nongthonvaphattrien.vn/nhung-ky-uc-dep-ve-giao-su-vien-si-dao-the-tuan-thay-tuan-a2411.html