Tích cực xuống đồng gieo cấy vụ xuân

Mặc dù tiến độ lấy nước tưới của thành phố Hà Nội năm nay chậm hơn mọi năm, nhưng nông dân các huyện ngoại thành đang tích cực thực hiện có nước tới đâu thì làm đất và giữ nước đến đó để gieo trồng trong khung thời vụ tốt nhất, bảo đảm vụ xuân thắng lợi.

Không khí đón xuân vẫn rộn ràng khắp các ngõ xóm, nhưng tranh thủ thời tiết tạnh ráo, ngay từ mồng 4 Tết, nông dân các huyện ngoại thành Hà Nội đã khẩn trương ra đồng làm đất, chuẩn bị ruộng đồng để gieo cấy vụ xuân. Ông Nguyễn Văn Cường, ở xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai chia sẻ, năm nay lịch lấy nước sớm hơn mọi năm, cho nên ngay từ trước Tết Nguyên đán gia đình ông đã thu hoạch rau màu vụ đông để đón nước, chuẩn bị sản xuất vụ xuân. Rất may, mạ gieo đúng thời điểm thời tiết nắng ấm cho nên sinh trưởng, phát triển tốt. Ông Cường cho biết thêm, do có nhiều diện tích lúa nằm ở vùng bãi ven sông Tích, thuộc khu vực chạy lũ tiểu mãn cho nên người dân thường chủ động cấy sớm. Đến nay, phần lớn diện tích vùng bãi đã hoàn thành gieo cấy. Lúa sau khi cấy gặp mưa xuân nhanh chóng bén rễ, phát triển, hứa hẹn vụ xuân bội thu.

nn1-1644256155.jpg
Tích cực xuống đồng gieo cấy vụ xuân

Theo đại diện Phòng Kinh tế huyện Quốc Oai, do huyện nằm ở cuối nguồn nước, thời tiết khô hạn kéo dài, cho nên ngay từ đầu vụ sản xuất, UBND huyện đã chủ động kế hoạch gieo cấy; phối hợp công ty thủy lợi khắc phục khó khăn, vận hành các trạm bơm để lấy nước từ sớm phục vụ sản xuất. Ngành nông nghiệp đã  hướng dẫn nông dân tuân thủ quy trình sản xuất, khung thời vụ gieo cấy và chú trọng gieo cấy các giống lúa năng suất, chất lượng cao như Thiên ưu 8, J02, TBR225, QR15… Trước Tết Nguyên đán, huyện đã gieo cấy hơn 80% diện tích lúa trong vùng chạy lũ tiểu mãn và làm đất đạt hơn 80% diện tích gieo cấy lúa vụ xuân. Ngay sau Tết Nguyên đán, huyện đã cơ bản đủ nước tưới cho diện tích hơn 4.300 ha lúa vụ xuân. Nông dân phấn khởi ra đồng sản xuất, phấn đấu gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất.  

Tại huyện Chương Mỹ, từ ngày 19/1, UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo các ngành, UBND các xã, thị trấn trong huyện triển khai các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và cây trồng. Đặc biệt, để chủ động bảo vệ sức khỏe cộng đồng và sản xuất nông nghiệp, huyện đã triển khai kế hoạch diệt chuột trên địa bàn huyện năm 2022 bằng các loại thuốc thế hệ mới, an toàn cho người và vật nuôi, trong đó chiến dịch diệt chuột lần thứ nhất được thực hiện trong tháng 3, ngay sau khi các địa phương hoàn thành gieo cấy lúa vụ xuân. Bà Nguyễn Thị Vui, xã Hoàng Diệu, huyện Chương Mỹ cho biết, nhờ cán bộ ngành nông nghiệp tận tình hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật phòng, chống rét, chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho nên người dân rất yên tâm đầu tư sản xuất. Đến nay, các loại cây trồng, vật nuôi phát triển tốt, không xảy ra dịch bệnh lớn. Nông dân đang khẩn trương gieo trồng vụ xuân, không lo thiếu cây giống.

Khó khăn lớn nhất đối với sản xuất vụ xuân của thành phố Hà Nội năm nay là nguồn nước tưới. Sau đợt xả nước thứ hai từ các hồ thủy điện, Hà Nội là địa phương có diện tích lấy nước gieo cấy vụ xuân thấp so với các tỉnh, thành phố khác trong khu vực. Theo đại diện Chi cục Thủy lợi Hà Nội, trong đợt lấy nước thứ hai vừa qua, nhiều trạm bơm của Hà Nội chưa thể vận hành, nhưng các trạm bơm dã chiến của thành phố như: Thanh Điềm, Phù Sa, Bá Giang… vẫn có thể hoạt động nhờ các công ty thủy lợi chủ động kế hoạch sản xuất từ sớm. Đến trước Tết Nguyên đán, thành phố đã có hơn 60 nghìn ha đất canh tác vụ xuân 2022 được cấp nước sản xuất, đạt khoảng 73% kế hoạch gieo cấy. Nhiều địa phương đã cơ bản lấy đủ nước như: Phú Xuyên, Đan Phượng, Chương Mỹ, Thanh Oai, nhưng một số địa phương như Gia Lâm, Sóc Sơn, Hoài Đức… tỷ lệ lấy nước đạt khá thấp, chưa đến 50% diện tích gieo cấy. Vì thế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã chỉ đạo các công ty thủy lợi tập trung nhân lực, máy móc để lấy nước đợt 3, từ 0 giờ ngày 13/2 đến 24 giờ ngày 17/2, bảo đảm đủ nước tưới phục vụ gieo cấy vụ xuân.

Bài và ảnh: MINH VÂN

Link nội dung: https://www.nongthonvaphattrien.vn/tich-cuc-xuong-dong-gieo-cay-vu-xuan-a103.html