Nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế

31/05/2022 10:18

Nội dung về nông nghiệp này được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh trong bài phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Đề cập đến nội dung về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong phát biểu kết luận Hội nghị Trung ương 5, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, sau gần 15 năm thực hiện Nghị quyết, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, toàn diện, nhất là trong việc cơ cấu lại nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn và cải thiện đời sống của nhân dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ngày càng được củng cố, nâng cao.

Theo Tổng Bí thư, nông nghiệp đang tiếp tục được phát triển cả về quy mô và trình độ sản xuất, duy trì tăng trưởng ở mức khá cao và tiếp tục khẳng định được vai trò và vị trí quan trọng, là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia.

tbt1-1653966907.jpg
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ yêu cầu phải nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phiên bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII diễn ra chiều 10/5. Ảnh: VGP.

"Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp đang chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng, từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy lợi thế vùng, miền, địa phương; chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh ngày càng được hoàn thiện, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị nông sản toàn cầu.

Tỉ lệ nông sản qua chế biến tăng dần; thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong và ngoài nước; xuất khẩu tăng nhanh cả về sản lượng, giá trị và tỉ trọng sản phẩm chất lượng cao. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản lớn trên thế giới", ông nói.

Về người nông dân, Tổng Bí thư nhận định, nông dân nước ta đã phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học - công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông thôn; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn. Thu nhập của nông dân ngày càng tăng, đời sống vật chất và tinh thần không ngừng được cải thiện; tỉ lệ hộ nghèo ở nông thôn giảm nhanh; dân chủ cơ sở ngày càng được phát huy.

Trong khi đó, nói về nông thôn Việt Nam, Tổng Bí thư cho rằng đang có nhiều thay đổi rõ rệt, khá toàn diện, thể hiện rõ vai trò là địa bàn chiến lược trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cơ cấu kinh tế của khu vực nông thôn chuyển đổi tích cực; tỉ trọng kinh tế công nghiệp và dịch vụ tăng khá

"Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào sâu rộng, có sức lan toả mạnh mẽ, nhận được sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở, của toàn dân và cộng đồng doanh nghiệp, đã về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu đề ra", Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết.

Ông nói, để tiếp tục phát huy những kết quả, thành tựu đã đạt được, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện thành công những mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã đề ra, chúng ta phải nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

tbt11-1653967011.jpg
Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị.

Bên cạnh đó, coi đây là cơ sở và lực lượng đặc biệt quan trọng để phát triển nhanh, bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm quốc phòng, an ninh; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá và sức mạnh con người Việt Nam.

Công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển hài hoà giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, khẳng định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp. Chú trọng nâng cao trình độ, năng lực làm chủ của nông dân theo hướng phát triển toàn diện, văn minh. Phát triển nông nghiệp, nông thôn phải hướng tới nâng cao toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và người dân nông thôn; lấy lợi ích của người dân là mục tiêu cao nhất.

Theo ông, phải nhận thức và xác định rõ, nông nghiệp là một lợi thế của quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững, minh bạch, trách nhiệm, tích hợp đa giá trị theo hướng giữ vững an ninh lương thực quốc gia, bảo vệ môi trường sinh thái; khuyến khích phát triển nông nghiệp xanh, hữu cơ, tuần hoàn.

Phát huy lợi thế vùng, miền; tổ chức sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo chuỗi giá trị, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo; giảm phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chuyển mạnh từ sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ sang phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, năng lực cạnh tranh; phát triển cả thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu.

"Phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân và người dân nông thôn là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị", Tổng Bí thư nhấn mạnh thêm tại phiên bế mạc Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII diễn ra chiều 10/5.

Tùng Đinh