Đất nông thôn có giá khởi điểm 'trên trời': Ồ ạt bán khi chưa xong hạ tầng

02/03/2022 19:29

Nongthonvaphattrien - Mặc dù chưa làm hạ tầng xong nhưng huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vẫn đưa đất ra đấu giá dẫn đến có những khu đất đã bán xong, người dân muốn làm nhà cũng không được vì chưa có đường đấu nối.

Đấu đất xong mới xin làm đường?

Huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đưa 2 khu quy hoạch đất ở ra đấu giá, cụ thể 9 lô tại thôn Hoà Bình xã Lâm Trung Thuỷ và 12 lô tại vùng quy hoạch Nhà Lay Trên tại trấn Đức Thọ. Tuy nhiên, hai khu đất này không có người tham gia mua hồ sơ đấu giá vì giá khởi điểm mà huyện đưa ra quá cao.

Tại khu quy hoạch đất ở thôn Hoà Bình có 9 lô, trong đó lô đất hai mặt tiền giá cao nhất là 4,7 tỷ với diện tích 262,21m2, 8 lô khác cùng diện tích 160m2/lô có giá khởi điểm 3,5 tỷ đồng. Còn tại khu quy hoạch Nhà Lay Trên có 12 lô được đưa ra đấu, giá khởi điểm cao nhất là 4,485 tỷ đồng, diện tích 149,5 m2, 11 lô khác giá 2-4 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu của PV, hai khu đất được đưa ra đấu giá, hạ tầng vẫn chưa được hoàn thiện. Tại 12 lô đất ở thị trấn Đức Thọ đưa ra bán đấu giá khi mặt bằng, đường dẫn vẫn còn làm dở dang. Riêng 9 lô ở thôn Hoà Bình, xã Lâm Trung Thuỷ chưa làm hạ tầng, đường đấu nối, mương thoát nước chưa có. Đáng nói, người dân có đất trồng lúa nằm trong quy hoạch đất ở thuộc diện đền bù vẫn chưa nhận được tiền.

7cf61b542cece0b2b9fd-9404-1646224080.jpg
Đất nông thôn có giá khởi điểm 'trên trời': Ồ ạt bán khi chưa xong hạ tầng

Theo như cán bộ xã Lâm Trung Thuỷ lý giải, do địa phương không có kinh phí nên chỉ khi bán đấu giá đất xong mới có tiền đền bù trả cho dân và làm hạ tầng. Tuy nhiên, thực tế, ngay cạnh 9 lô vừa được đưa ra đấu giá, có 21 lô đất được đấu giá xong vào năm 2020, nhưng đến nay vẫn chưa làm hạ tầng. Tại khu vực này đang là cánh đồng sản xuất lúa, chưa có đường gom đấu nối với quốc lộ 8A, chỉ có hệ thống mương thoát nước làm dở dang. Người dân muốn xây nhà cũng chưa làm được vì chưa có đường.

Một người dân trúng đấu giá tại khu đất này cho hay, năm 2020 đấu trúng lô đất, nhưng giờ muốn làm nhà ở chưa thể làm được vì chưa có đường gom, đấu nối với quốc lộ 8A theo như quy hoạch ban đầu.

Đấu không thành sẽ hạ giá

Việc giá đất khởi điểm huyện đưa ra quá cao, khiến người dân địa phương bất ngờ. Với những hộ dân có đất nông nghiệp được đền bù, họ cho rằng thu hồi giá “bèo” mà đấu cao gấp hơn 100 lần như vậy là bất hợp lý. Cụ thể, mỗi sào ruộng (tức 500m2) nằm trong quy hoạch 9 lô đất được đưa ra bán đền bù với giá 85 triệu đồng, tính ra mỗi m2 đất chỉ được đền bù hơn 170 ngàn đồng/m2. Thế nhưng khi đưa ra giá khởi điểm mỗi m2 giá từ 18-21 triệu đồng/m2.

Ông Lê Văn Lợi (trú thôn Hoà Bình, xã Lâm Trung Thuỷ) có hơn 5 sào ruộng, năm 2020 xã thu hồi 2 sào để chuyển đổi sang đất ở đưa ra bán đấu giá, đến năm 2021 tiếp lấy thêm 1 sào nằm trong quy hoạch 9 lô đất vừa được đưa ra đấu giá.

Cả hai mảnh ruộng của gia đình ông đều nằm sát quốc lộ 8A, mỗi năm trồng hai vụ lúa. Theo ông Lợi, năm 2020 xã đền bù 62 triệu/sào, còn đợt mới đây đền bù 85 triệu/1 sào. “Thu hồi đất thì giá thấp nhưng đưa ra đấu cao như vậy dân cũng bất ngờ và cũng tiếc. Nói đền bù nhưng tiền cũng chưa trả cho dân”, ông Lợi cho hay.

Còn chị Phạm Thị Thu, chưa ký nhận tiền đền bù vì có gần 3 sào, nhận canh tác của ông Nguyễn Văn Thông tuy nhiên xã chỉ thống nhất đền bù 25 triệu/sào vì lý do không có hộ khẩu tại địa phương. Vì thế gia đình chưa ký, nhưng xã vẫn đưa đất ra bán đấu giá.

“Tính ra hơn 1.000m2 đất mà địa phương đền bù cho gia đình được 78 triệu nên chúng tôi chưa đồng ý. Dù đất đền bù chưa xong nhưng huyện vẫn đưa ra để đấu giá”, chị Thu nói.

Ông Nguyễn Hữu Thọ - Chủ tịch UBND xã Lâm Trung Thuỷ, huyện Đức Thọ thừa nhận, khu vực đấu giá đất ở tại thôn Hoà Bình thành công vào năm 2020 chưa có hạ tầng, chỉ mới xong phần mặt bằng. Hiện địa phương đang làm đề xuất huyện để làm xây dựng hạ tầng ở khu vực này với chi phí từ 1-2 tỷ đồng.

Ông Thọ nói thêm, theo quy định phải hoàn thiện hạ tầng mới đưa ra đấu giá, nhưng do địa phương không có nguồn, không thể làm trước được. Tiền giải phóng mặt bằng, tiền làm hạ tầng phải do địa phương chi trả, vì thế 9 lô đất vừa đưa ra đấu giá đó phải đợi bán xong mới có tiền đền bù cho dân, hoàn thiện mặt bằng.

“Khu quy hoạch bán năm 2020 chưa có đường, chúng tôi đang đề xuất huyện xin hỗ trợ thêm chứ xã không có tiền để làm. Khi bán đất thành công, xã được hưởng 45%, nhưng địa phương phải chịu khoản kinh phí trả tiền mặt bằng, làm hạ tầng nên rất khó khăn. Vì thế với khu đã bán xong thì giờ đang làm đề xuất xây dựng đường gom trước, còn các lô chưa bán được phải chờ bán thành công đã mới làm. Vì nếu làm trước lỡ may không bán được, còn các lô vừa đấu giá quá cao thì theo quy trình hạ xuống dần”, ông Thọ nói.

Đại diện Phòng TN&MT huyện Đức Thọ cho hay, khi đưa khu đất ở ra đấu giá, việc xây dựng hạ tầng, giải phóng mặt bằng thuộc cấp xã làm. Tuy nhiên các xã thường bán xong mới lấy ngân sách ra để làm vì không có kinh phí.

“Thực ra việc làm hạ tầng còn nhiều bất cập. Tiền làm hạ tầng, giải phóng mặt bằng nằm trong diện xã phải chi trả. Vì thế chủ yếu từ trước đến nay đấu giá thành công xong mới có tiền làm. Huyện vừa đưa ra đấu giá hai khu quy hoạch đất ở, nhưng chưa thành công. Theo quy định, nếu 3 lần đấu giá không thành công thì huyện mới làm thủ tục như khảo sát thị trường và hạ giá. Tuy nhiên việc hạ không qúa 10% giá khởi điểm đưa ra ban đầu”, đại diện Phòng TN&MT huyện Đức Thọ nói.

Hoài Nam/tienphong.vn