CCB. Nguyễn Vân Hậu: Ký ức người lính Sư đoàn 304 (kỳ 4)

28/04/2022 12:58

Hướng tới Kỷ niệm 47 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất Đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022), Tạp chí điện tử Nông thôn và Phát triển xin trân trong giới thiệu loạt bài viết "Ký ức người lính sư đoàn 304" của Cựu Chiến binh Nguyễn Vân Hậu. Kỳ 4: Đánh chiếm quân cảng Ream và hải cảng Sihanoukville.

Căn cứ hải quân Ream thuộc tỉnh Sihanoukville nằm ở tây bắc đảo Phú Quốc, cách Phú Quốc chừng 25km, nằm trong tầm bắn của pháo hạng nặng cỡ 130mm. Đây là một quân cảng tiền đồn của lực lượng hải quân Khmer Đỏ nên chúng bố trí lực lượng phòng thủ khá mạnh. 

Tác chiến hợp đồng quân binh chủng

Sau này, một bài báo trên trang https://infonet.vietnamnet.vn ngày 06-01-2019 cho biết: Tại căn cứ Ream có nhiều tàu chiến, gồm tàu tuần tiễu, tàu phóng lôi, tàu PCF, tàu quét mìn và các thuyền chiến đấu. Địch ước tính có trên 1.100 tên, gồm một tiểu đoàn của trung đoàn 63, sư đoàn 164, hai trận địa pháo cao xạ 37mm hai nòng (8 khẩu), bốn trận địa súng cối và súng ĐKZ, cùng nhiều chốt hỏa lực đại liên, trọng liên 12,7mm. Chúng tôi phải chiến đấu với một lực lượng tinh nhuệ của Khmer Đỏ đang quyết bám trụ căn cứ tiền đồn hải quân này.

anh4-1651125065.jpg
Nhật ký của tác giả những ngày chiến đấu đánh chiếm quân cảng Ream và truy kích địch tháng 1-1979

Gần trưa ngày 9-1-1979, mũi tiến công của Trung đoàn 9 chúng tôi đã đánh chiếm sân bay Sihanouk (nay là sân bay quốc tế Sihanouk). Trước đó, đáng tiếc bộ binh ta không đến kịp, một số xe bọc thép lội nước BTR-50PK của hải quân đánh bộ bị địch phục kích bắn cháy còn nằm rãi rác hai bên đường ở khu vực ngã ba đi cảng Ream – Sihanoukville thuộc phum Thma Thum.

Xế chiều, chúng tôi tiếp cận cửa ngõ vào cảng Ream. Đường vào quân cảng độc đạo, một bên rừng núi, một bên là biển, các ổ kháng cự của địch quyết chặn quân ta chờ trồi tối, lợi dụng thuộc địa hình để phản công.

Trong chiến đấu cũng có những tình huống hi hữu cười trong khiếp hãi. Vốn là lúc khẩu đội tôi đang chiến đấu thì thấy mấy chiến sĩ đại đội 14 (trực thuộc Trung đoàn bộ) khiêng súng cối hạng nặng 120 ly và đạn chạy lạch bạch ngang qua chừng hơn chục mét thì đặt bắn. Ít phút sau nghe một tiếng nổ đinh tai nhức óc ngay trên đầu chúng tôi, gỗ cành lá cây bay lả tả. Tiếng nổ chát chúa, kinh hoàng vì quá gần. - Địch phản pháo chăng? Ai nấy đều tự hỏi và nằm rạp xuống.

Tiếng nhốn nháo phía khẩu đội cối 120, thì ra, vì vội vàng đặt súng và lấy phần tử bắn nhanh để tiêu diệt địch, chi viện kịp thời cho bộ binh nên anh em thiếu quan sát xạ giới, không biết rằng mình đang ở dưới một cây cổ thụ cao mấy chục mét có tán xòe ra; vì vậy, khi bắn gần, nòng pháo cối dựng đứng, quả đạn cối 120 ly có màng rung kíp nổ rất nhạy đã phọt trúng ngay tán cây trên cao và nổ luôn, may là không có thương vong, nhưng đó là bài học nhớ đời của lính cối.

Trận đánh giằng co, địch chống trả điên cuồng nhưng chúng không cản nổi sức tấn công của bộ binh ta với sự chi viện của pháo binh hải quân bắn từ tàu chiến lên. Phần lớn địch bị tiêu diệt và bỏ chạy, Trung đoàn 9 và lính thủy đánh bộ ta xông lên, vui mừng nhận ra ám hiệu của nhau, phối hợp chiếm quân cảng và truy kích địch.

anh1-1651125152.jpg
Trung đoàn 9, Sư đòan 304 phối hợp với Thủy quân lục chiến của ta đánh chiếm quân cảng Ream ngày 9-1-1979.

Ở hướng tiến công của đơn vị bạn vào thành phố Sihanoukville, cũng trong ngày 9-1-1979, Trung đoàn 66 (F304) đã tổ chức đánh chiếm các cao điểm xung quanh thành phố trước khi phối hợp với hải quân đánh bộ đánh vào trung tâm, giải phóng thành phố và hải cảng Sihanoukville. 

Say máu chiến trận, tôi không biết mình đã bị thương ở bắp đùi lúc nào, máu loang ra quần, đến khi tiếng súng tạm lắng, Liễn - một đồng đội tôi, bảo: Hậu bị thương rồi kìa! Lúc đó tôi mới thấy rát, may mắn vết thương chỉ ở phần mềm và đã tự cầm máu. Sau này xuất ngũ, anh em ở đơn vị cũ hỏi "Sao mày không làm chế độ thương binh?", tôi cười bảo bị nhẹ như “trâu đực vẹt dái”, còn sống là may rồi, thương binh gì chứ.

Trang nhật ký và giấc mơ hoa giữa rừng

Chịu thất bại nặng nề, nhưng đám tàn quân Khmer đỏ thất trận rút vào rừng tập hợp lại lực lượng đánh ta theo chiến thuật du kích.

Ngày ngày, đơn vị chúng tôi truy quét tàn quân địch đang lẩn trốn trong rừng, chiều xuống lại trở về điểm chốt trên một quả đồi nhìn ra bến cảng. Khi những tia nắng cuối cùng chỉ còn le lói rồi lịm tắt, hoàng hôn dần buông, lặng nhìn rặng dừa xanh xác xơ bao quanh cảng biển vừa trải qua trận chiến ác liệt, lòng tôi quặn thắt nhớ về đất mẹ.

anh2-1651125323.jpg
Quân cảng Ream, Campuchia - Phía xa xa là quả đồi, điểm cao đơn vị tôi đóng quân tháng 1-1979

Nghe phân công trực gác xong, tôi mắc võng, lấy ra từ túi áo trang giấy nhỏ mang theo từ đầu chiến dịch đã úa màu mồ hôi, ngồi ghi mấy dòng nhật ký để nhớ và làm kỷ niệm về cuộc đời gian lao trên trận tuyến đánh quân thù.

“Ream, ngày 10-1-1979
Đêm chốt ở mé rừng. Ngày đi truy kích địch.”

“Ngày 11-1-79 và 12-1-1979 
2 ngày đi truy quét tàn quân địch. Đêm lại về trên chốt tiền tiêu. Đã trung tuần tháng Chạp, đêm nào trăng cũng sáng như gương. Gần tết rồi còn gì? Chắc có lẽ Tết này tôi sẽ đón ở Kampuchia. Rồi sẽ xa tất cả vì nhiệm vụ quốc tế của người chiến sĩ. Chính lúc này, đôi lúc tôi có ít nhiều suy nghĩ về đất mẹ Việt Nam, về quê hương, về cậu mẹ tôi đang trông mong đứa con xa nhà đi chiến đấu.

Chính những lúc cậu mẹ đang trông là những lúc con đang còn chiến đấu ở đất nước mà bọn Pôn Pốt – Iêng xary đã xây đựng nên một chế độ phát xít tàn bạo. Gần 1 tháng rồi con vào nơi đây, chắc cậu mẹ sẽ trông mông, thương nhớ con khôn xiết. Con biết vậy nhưng con phải còn chiến đấu, cùng đồng đội của con hoàn thành nhiệm vụ mới có thể trở về Tổ quốc Việt Nam thân yêu…”

“Giấc mơ hoa.
Đêm giữa rừng, tôi gác phiên đầu tiên, màn đêm bao phủ, yên ắng tĩnh mịch. Bất cứ bước đi của ai cũng làm cho lá cây khô xào xạc. Tiếng chim hót líu lo hồi chiều cũng đã tắt ngấm. Con tắc kè ở đâu đó chốc lát lại kêu lên: tắc kè, tắc kè nghe não ruột. Ngồi nhớ quê hương, nhớ người thân, bạn bè ở quê nhà. Hết phiên gác, tôi ngã lưng nằm xuống tấm nilong trải trên chỗ đất bằng ngủ một giấc ngon lành. Giấc ngủ say đưa tôi chìm đắm vào giấc mơ đẹp. Tôi thấy mình đang ở Việt Nam, đang gặp và trò chuyện với người bạn nữ cùng lớp phổ thông, vội vội vàng vàng rồi cô ấy gọi tôi chào từ biệt...
Tôi giật mình tỉnh giấc. Trời sáng tờ mờ, ngọn gió từ biển thổi ào ào xuyên qua cánh rừng. Dù đã tỉnh tôi vẫn luyến tiếc cố giữ lại giấc mơ, mong cho nó trở lại. Nhưng trời đã sáng rõ.”.

“Ngày 16-1-1979.
Nói sao cho hết nổi nhớ của người chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi xa Tổ quốc mình. Đêm đêm, cứ đến phiên gác, tôi lại hình dung ra những ngày tháng còn tuổi học trò. Rừng núi về đêm giữ vẽ trầm ngâm, ánh trăng trung tuần chen qua các kẻ lá rọi vào hòn đá cạnh chổ tôi ngồi trông trắng bạch, rồi dần dà vệt sáng cũng di chuyển theo bóng trăng thời gian về khuya...”.

Đón đọc Kỳ 5: Những ngày Tết xa Tổ quốc.

CCB.Nguyễn Vân Hậu
Bạn đang đọc bài viết "CCB. Nguyễn Vân Hậu: Ký ức người lính Sư đoàn 304 (kỳ 4)" tại chuyên mục Diễn đàn. Hotline: 0846460404 - Liên hệ Quảng cáo: 0912563309
Hoa Van

Hoa Van

16:38 29/04/2022

Ký ức tuyệt vời

Văn Hoa

Văn Hoa

16:34 29/04/2022

Bộ đội ơi, anh kêr hay cả tình tiết và văn chương!